Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làn sóng nhập siêu mới?
25 | 09 | 2007
Từ lâu nay, vẫn có ý kiến cho rằng, đối với nền kinh tế còn rất kém phát triển như nước ta, nhập siêu là tất yếu. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, liên tục trong hơn hai thập kỷ qua, nhập siêu liên tục vượt rất xa các kế hoạch đã đề ra. Và ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế nước ta cũng không thoát khỏi “tập quán” này. Hơn thế, với những động thái hiện nay, có nhiều khả năng đây mới chỉ là bước khởi đầu của một làn sóng nhập siêu mới.
Trước hết, nếu nhìn lại lịch sử 21 năm thực hiện đường lối đổi mới và 16 năm thực hiện chính sách đẩy mạnh XK của nước ta, không có gì khó để nhận ra rằng, nhập siêu vẫn là một “căn bệnh kinh niên”. Bởi lẽ, trong suốt cả một chặng đường không ngắn đó, duy nhất chỉ có năm 1992 là năm xuất siêu vỏn vẹn 40 triệu USD và tỷ lệ xuất siêu cũng chỉ là 1,55%, còn lại 20 năm đều trong tình trạng “thâm thủng” lớn trong cán cân thương mại quốc tế.

Chuyện “vũ như cẫn”

Nếu như ba năm đầu đổi mới chúng ta hầu như ở trong trạng thái “xuất 1, nhập 2” do XK vẫn còn quá nhỏ, lại được viện trợ rất lớn, còn ba năm tiếp theo nhập siêu liên tục giảm mạnh vừa do XK được đẩy mạnh thì sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, nhập siêu diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Đó là, nhập siêu tăng siêu tốc và đạt đỉnh 53,58% năm 1996, sau đó giảm rất mạnh và đứng ở mức rất thấp trong ba năm cuối thập kỷ 90 và đầu thập kỷ này (năm 1999 đứng ở mức đáy với 0,71%), còn trong 4 năm gần đây nhất tuy vẫn dao động theo “hình sin” với biên độ không quá lớn, nhưng vẫn đứng ở mức cao (bình quân 5 năm 2001-2005 là 17,38%; năm 2006 là 12,72%). Trong khi đó, các mục tiêu kiềm chế nhập siêu của chúng ta đề ra luôn luôn thấp hơn rất nhiều.

Chỉ xét giai đoạn từ 2001 trở lại đây, trong khi mục tiêu chiến lược đề ra cho XK năm 2005 là 28,355 tỷ USD và thực tế cũng đã đạt 32,442 tỷ USD, vượt 14,41%, còn mục tiêu NK là 29,165 tỷ USD, nhưng thực tế đại nhảy vọt lên 36,978 tỷ USD, vượt tới 26,79%. Chính vì vậy, trong khi mục tiêu nhập siêu đề ra chỉ là 810 triệu USD, nhưng thực tế đã “nở” tới 4,648 tỷ USD, cao gấp 5,74 lần.

Cũng chính vì thực tế NK và nhập siêu đã vượt quá xa các mục tiêu chiến lược như vậy, cho nên trong kế hoạch 5 năm hiện nay, thay vì phải đạt mục tiêu xuất siêu vào năm 2009, tốc độ tăng NK đã được đẩy lên cao hơn để kéo giãn thời điểm này sang đầu thập kỷ sau và mục tiêu nhập siêu năm 2006 được kiềm chế ở mức 3,556 tỷ USD, nhưng thực tế vẫn đạt 5,065 tỷ USD, vượt 42,43%. Còn trong năm 2007 này, trong khi mục tiêu nhập siêu cần được kiềm chế ở mức 3,188 tỷ USD, nhưng chỉ trong 8 tháng đã đạt 6,414 tỷ USD, tức là cao gấp hơn hai lần, còn so với kế hoạch năm nay cũng đã vượt 15,69%. Theo đà này, rất có thể mục tiêu chiến lược chuyển từ nhập siêu rất lớn hiện nay sang xuất siêu vào đầu thập kỷ sau cũng trở nên rất xa vời.

Rất có thể tình trạng nhập siêu sẽ triền miên như vậy và cũng chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt của nước ta không phải là phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn, nếu nhìn vào lịch sử gần 30 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc thì có thể thấy tình trạng nhập siêu của quốc gia này diễn ra chỉ trong một giai đoạn rất ngắn trong những năm đầu. Đó là 6 năm 1984 - 1989 và tỷ lệ nhập siêu bình quân cũng chỉ ở mức 20,66%. Hoặc Hàn Quốc tuy vẫn còn lâm tình trạng nhập siêu như “cơm bữa” (liên tục trong 3 năm 1983-1985 và 8 năm 1990-1997), nhưng tỷ lệ nhập siêu của “con rồng Châu Á” này cũng chỉ rất khiêm tốn ở mức 4,75% và 8,52% trong hai giai đoạn nói trên.

Nguyên nhân từ đâu?

Tuy NK và nhập siêu tăng bùng nổ hiện nay có một phần bắt nguồn từ nguyên nhân đáng mừng, nhưng những nguyên nhân đáng lo mới là chủ yếu. Do vậy, kiềm chế NK để giảm nhập siêu, vấn đề đã tồn đọng từ hai thập kỷ nay cần có những lời giải mới trong bối cảnh mới, bởi nếu không thì quy mô của nó sẽ không phải là nhiều tỷ USD như trước đây, mà là nhiều chục tỷ USD.

Thứ nhất, nhập siêu kéo dài trước hết là do nền kinh tế nước ta là nền kinh tế “sống nhờ” vào nguồn nguyên liệu NK.

Trong khi các nước ở giai đoạn tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và đẩy mạnh phát triển kinh tế, NK máy móc, thiết bị là tác nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu, thì ở nước ta, các số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng của nhóm hàng này trong “rổ hàng hoá NK” chỉ dao động xung quanh ngưỡng 30%, đặc biệt là những năm gần đây đã phát triển theo chiều hướng “đi xuống”, đồng thời tỷ trọng của nhóm hàng tiêu dùng vốn không lớn (năm 1995 đứng ở mức đỉnh chỉ với 15,2%) cũng đã liên tục giảm mạnh hơn và “nhường chỗ” để cho nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu từ tỷ trọng 59,1% năm 1995 tăng lên 68,1% năm 2005 và hiện ước chiếm khoảng 70%.

Chính do NK nguyên liệu lớn như vậy, cho nên sốt nóng thế giới đã khuếch đại tốc độ tăng NK và nhập siêu của nước ta. Cụ thể, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, giá nguyên liệu thế giới năm 2004 đã tăng 26,57%; năm 2005 tăng 29,17%; năm 2006 tăng 21,92% và 7 tháng đầu năm nay cũng đã tăng 20,92%. Các kết quả tính toán từ số liệu thống kê của nước ta trong 8 tháng qua cũng cho thấy, tổng kim ngạch NK thực tế của 12 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về khối lượng và giá trị NK gồm thép, phôi thép, kim loại thường khác, phân bón, giấy, chất dẻo nguyên liệu, sợi, bông, giấy, clinker, lúa mỳ, bột giấy và cao su đã đạt 7,886 tỷ USD, đã tăng đại nhảy vọt 35,03% so với cùng kỳ năm 2006. Thế nhưng, nếu quy về giá NK cùng kỳ, thì tổng khối lượng hàng hoá NK này chỉ là 6,839 tỷ USD, tức là chỉ tăng 999 triệu USD và 17,10%. Điều này có nghĩa là, có tới 1.047 triệu USD, tương ứng với mức tăng 17,93% của kim ngạch NK là do giá nguyên liệu thế giới khuếch đại lên.

Thứ hai, không chỉ có sốt nóng giá nguyên liệu thế giới, mà vai trò “gia nhiệt” của thuế suất NK của nước ta cũng rất lớn. Trước hết, với thuế suất NK bình quân của nước ta trước thời điểm gia nhập WTO là 17,4%, hiển nhiên là giá nguyên liệu NK vào thị trường trong nước sẽ không chỉ dừng lại ở tốc độ tăng “phi mã” của sốt nóng giá nguyên liệu thế giới nói trên, mà còn tăng thêm 17,4% nữa.

Tuy nhiên, bước vào năm 2007 này, theo cam kết gia nhập WTO của nước ta, thuế suất NK sẽ giảm từ 17,4% xuống 13,4% theo lộ trình trung bình từ 3 đến 5 năm và giả định là năm đầu tiên này giảm xuống 16,4%, thì giá nguyên liệu NK vào thị trường trong nước sẽ không chỉ tăng 20,92% như giá thế giới và cũng không phải là 24,56% (thuế suất NK 17,4%), mà là 24,35%. Rõ ràng, sự chênh lệch không đáng kể này cho thấy việc giảm thuế suất NK theo lộ trình gia nhập WTO của nước ta hầu như không giúp gì cho các DN trong việc giảm gánh nặng về thuế NK.

Ngược lại, với việc giảm rất mạnh thuế suất NK trên diện rộng chưa từng có đầu tháng 8 vừa qua, tuy gánh nặng về thuế này đã giảm hẳn, nhưng giá nguyên liệu NK vào thị trường trong nước vẫn sốt nóng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Cụ thể, giả định là thuế suất NK bình quân từ 16,4% giảm rất mạnh 40%, cho nên chỉ còn 10%, thay vì 24,56% và 24,35%, giá nguyên liệu NK vào thị trường trong nước sẽ chỉ còn tăng 23,01%, tức là còn cao hơn giá thế giới 2,09%.

Thứ ba, XK không tăng tương ứng do chúng ta không được hưởng lợi từ cơn sốt nóng giá cả thế giới hiện nay. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê 8 tháng đầu năm nay cho thấy, tổng kim ngạch XK 8 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về khối lượng và giá trị gồm dầu thô, than đá, gạo, cà phê, cao su, nhân điều, chè, hạt tiêu và lạc nhân, đã đạt 9,757 tỷ USD, chỉ tăng vỏn vẹn 310 triệu USD và 3,28% so với cùng kỳ năm 2006, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ thì “co lại” chỉ còn 9,282 tỷ USD, tức là giảm 165 triệu USD và 1,75% so với cùng kỳ năm 2006.

Điều này có nghĩa, giá bình quân của 8 mặt hàng này trong 8 tháng qua đã giảm và để tăng được 310 triệu USD và 3,28%, trên thực tế chúng ta đã phải tăng khối lượng XK 475 triệu USD và 5,12% so với cùng kỳ năm 2006.

Rõ ràng đây là tác nhân rất quan trọng khiến cho “đoàn tàu XK” của nước ta không thể tiến nhanh hơn, bởi việc “giậm chân tại chỗ” của 9 mặt hàng XK truyền thống này đồng nghĩa với việc kéo lùi tốc độ tăng trưởng XK chung.

Thứ tư, hiển nhiên việc NK và nhập siêu tăng bùng nổ còn do vốn đầu tư tăng bùng nổ, dẫn đến kim ngạch NK của nhóm hàng máy móc, thiết bị và một số mặt hàng khác cũng tăng bùng nổ theo.

Các số liệu thống kê 8 tháng qua cho thấy, kim ngạch NK của riêng nhóm hàng máy móc, thiết bị đã tăng đại nhảy vọt 2,109 tỷ USD và 51,40%, chiếm 32,88% trong “rổ hàng hoá nhập siêu” của nước ta. Tuy nhiên, đây phải được coi là điều đáng mừng, bởi chính nó sẽ mở ra triển vọng phát triển nhanh hơn của nền kinh tế trong những năm tới. Giai đoạn “hoàng kim” kéo dài 5 năm trong thập kỷ trước (1992-1996) của nền kinh tế nước ta gắn với sự gia tăng bùng nổ của vốn đầu tư trong giai đoạn này, trong đó vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đủ cho thấy điều đó.



Theo vcci.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường