|
Nhiều ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; chất chất, nhựa… sẽ được hưởng lợi và có mức tăng trưởng cao khi Hiệp định CPTPP thực thi. |
Theo Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết là một trong những hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam không chỉ về tầm vóc quy mô mà là về độ sâu của các cam kết và hệ quả thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao chuẩn mực cho các doanh nghiệp và chất lượng nền kinh tế.
Mặc dù hiện Hoa Kỳ chưa tham gia CPTPP, nhưng nhiều ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; chất chất, nhựa… sẽ được hưởng lợi và có mức tăng trưởng cao khi Hiệp định CPTPP thực thi.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù lợi ích kinh tế không bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng “nghĩa vụ” của Việt Nam khi tham gia CPTPP lại không giảm, thậm chí còn có nhiều thách thức hơn.
Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, mặc dù các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với tỷ lệ cao hơn nhiều so với Việt Nam, tuy nhiên những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày da thì lại bị đánh thuế cao, với lộ trình cắt giảm khá lâu. Bên cạnh đó, để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang các nước thành viên cũng không phải dễ.
Để tận dụng các ưu đãi từ CPTPP mang lại, các chuyên gia cho rằng, trước hết các địa phương, doanh nghiệp cần tìm hiểu cũng như phải hiểu rõ những cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định này; những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành hàng xuất khẩu của doanh nghiệp…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù lợi ích kinh tế của CPTPP không bằng TPP, tuy nhiên cần có tầm nhìn dài hạn về triển vọng của CPTPP vì hiệp định này sẽ còn được mở rộng. Trong thời gian tới, CPTPP không chỉ có 11 nước mà có thể sẽ có thêm Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan… tham gia. Khi đó, thị trường sẽ được mở rộng hơn và lợi ích kinh tế của Việt Nam sẽ gia tăng nhiều hơn.
“Khác với TPP, Hiệp định CPTPP có khả năng sẽ có hiệu lực rất nhanh ngay từ đầu năm 2019. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp đang rất gần. Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận và thực thi CPTPP”, ông Khanh chia sẻ.
Theo TTXVN