PV: Trong đề án phát triển xuất khẩu hàng hoá với Trung Quốc, Bộ Thương mại chỉ ra 14 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn? Theo ông, liệu chúng ta có thể hy vọng có sự đột phá xuất khẩu vào Trung Quốc trong thời gian tới hay không?
Ông Hồ Quốc Phi: Chúng ta đang xây dựng chiến lược cho 14 mặt hàng này. Bộ Thương mại, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chiến lược phát triển rau, quả; Bộ Thuỷ sản đang xây dựng chiến lược ngành thuỷ sản để xuất khẩu, đặc biệt là coi trọng thị trường Trung Quốc... Có những mặt hàng chúng ta có thể tạo được những bước tiến rất vững chắc, ví dụ mặt hàng cà phê. Mặc dù Trung Quốc là nước có 1,3 tỷ dân, người ta chủ yếu là uống chè, nhưng hiện nay xu hướng uống cà phê đang lên rất cao và trở thành “mốt”, đặc biệt là giới trẻ. Trong thời kỳ tôi làm Tham tán thương mại tại Trung Quốc, sau khi đưa cà phê phin bán ở một vài quán ở Bắc Kinh, chúng ta chỉ đưa ra một quảng cáo, trong cà phê của Việt Nam hoàn toàn không có bất cứ một hoá chất nào và có tác dụng giảm béo, thì các quán cà phê của Việt Nam đó hầu như là không có chỗ ngồi và người ta cảm thấy mùi cà phê Việt Nam thơm lừng và rất quyến rũ. Thực chất, cà phê Việt Nam chất lượng rất cao và giá cả cũng rất hợp lý. Chúng ta hy vọng chỉ 1/3 dân số Trung Quốc uống cà phê thôi thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cũng đẩy lên rất nhanh.
Ngoài ra, những mặt hàng nông, lâm, hải sản thì chúng ta hầu như không đủ để cung cấp cho Trung Quốc. Tiềm năng của Trung Quốc ai cũng thấy rõ, đấy là thị trường khổng lồ và ở trong thị trường này, nhu cầu rất đa dạng. Tôi lấy ví dụ, cũng một quả chuối thôi, người giàu thì vào siêu thị, khách sạn 5 sao ăn những quả chuối vàng rộm và rất đắt; còn những người bình thường có thể đi trên đường mua chuối cân của Việt Nam, người ta vẫn ăn bình thường. Sự phân hoá người tiêu dùng rất là lớn, đa dạng, “tiền nào, của đấy” và cái gì cũng có thể bán được.
PV: Tuy nhiên, đó mới chỉ là chiến lược, còn thực tế đang diễn ra thì sao?
Ông Hồ Quốc Phi: Đúng là, chiến lược chỉ nằm trên giấy nếu không đi vào thực tiễn cuộc sống và từ những chiến lược nằm trên giấy đi vào cuộc sống được thì phải có một quá trình. Quan điểm riêng của tôi, quy luật cung cầu rất quan trọng. Làm chiến lược, nếu anh thoát ly thực tế, thoát ly quy luật đó thì vẫn là chiến lược mà thôi. Tại sao những mặt hàng chúng ta kỳ vọng rất nhiều và như đã nói, tôi không có kỳ vọng vào sự đột phá nào cả, nhưng chiến lược thì chúng ta phải đề ra. Có những mặt hàng mà có thể trong chiến lược chưa đề cập đến, nhưng nhu cầu đòi hỏi thì tự nhiên nó tăng lên thôi. Từ trước đến nay, mọi người không để ý đến mặt hàng sắn lát, sắn khô, sản phẩm từ sắn, bột tinh sắn… Lúc đầu do tự phát, nhưng nay đã trở thành nguồn cung cấp lớn cho Trung Quốc, bao nhiêu cũng sài hết. Đó là những mặt hàng người ta rất cần. Nhưng tất nhiên, những mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản do bà con nông dân sản xuất ra, khối lượng rất lớn, nhưng kim ngạch rất thấp, nên cán cân kim ngạch không cân bằng chính là ở chỗ này đây.
Khi chúng ta nhập của bạn 10 tấn hoá chất, thì trị giá có thể bằng hàng trăm, hàng nghìn tấn sắn lát khô. Chúng ta phải chấp nhận thôi, giá trị gia tăng của hàng hoá chất Trung Quốc rất lớn, nhưng hàng nông, lâm, thủy hải sản của ta có giá trị rất thấp. Nhưng nói đi, nói lại, hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản này lại là những mặt hàng tăng nguồn thu nhập, tăng đời sống cho người nông dân của chúng ta rất quan trọng. Chúng ta có xuất khẩu được cái này thì mới giải quyết được công ăn việc làm, những vấn đề nông nhàn ở nông thôn.
PV: Năm 2007, Trung Quốc sẽ thực hiện cơ chế điều hành xuất khẩu theo tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cơ chế này sẽ tạo ra những bất lợi gì cho các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Ông Hồ Quốc Phi: Hiện nay, Trung Quốc đã cam kết thực hiện theo lộ trình của một thành viên WTO. Khi đó, có những mặt tác động tích cực và tiêu cực đến hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tác động tích cực là tạo phong cách chính quy cho doanh nghiệp Việt Nam và như thế sẽ không còn rủi ro, hoặc ít rủi ro. Tác động tiêu cực là, doanh nghiệp của chúng ta là những doanh nghiệp nhỏ, đã quen làm ăn với Trung Quốc theo kiểu buôn bán trao tay, không theo một quy chuẩn của WTO. Nay, phải làm ăn chính quy thì phải có thời gian. Đấy cũng là một thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, theo quan điểm cá nhân của tôi, Chính phủ Trung Quốc còn áp dụng một cách rất sáng tạo điều 24 của Hiệp định GATT - WTO. Điều 24 đó nói gì? Đó là cho phép các tỉnh biên giới, các vùng, các nước có biên giới với nhau, áp dụng các chính sách không tuân thủ theo WTO. Trong WTO có một loạt chính sách ưu đãi, không phân biệt, thì điều 24 nói rằng có thể áp dụng khác các chính sách đó. Nếu hàng hoá xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, thì được giảm 50% thuế nhập khẩu và thuế VAT. Đó là phân biệt đối xử, nhưng lại có lợi cho vùng biên giới, bởi vì các nhà hoạch định ra chính sách WTO cho rằng, người thiệt hại đấy là đồng bào dân tộc vùng biên giới thì cho người ta có những chính sách đấy để làm sống động nền kinh tế của vùng biên giới.
Tôi cho rằng, còn một thời gian dài nữa chính sách này vẫn được áp dụng một cách mạnh mẽ và Chính phủ Trung Quốc còn phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý vấn đề này. Điều này lý giải tại sao hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc không ra Móng Cái, Quảng Ninh, hay Tân Thanh, Lạng Sơn cho gần mà lại được đưa đến cửa khẩu Maluthang (Phong Thổ, Lai Châu). Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Maluthảng ở Lai Châu là 60 triệu USD, dù đường xá lên Tây Bắc của chúng ta rất vất vả, nhưng chính sách của Trung Quốc đang thu hút hàng của Việt Nam qua đó. Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
4 động lực phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc Thoả thuận của lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 15 tỷ USD vào năm 2010. Theo các chuyên gia kinh tế, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo hai nước thì mục tiêu đó hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi 4 động lực sau: Thứ nhất, quan hệ thương mại hai nước mặc dù còn mặt này, mặt nọ, nhưng về cơ bản thì lại có tính bổ sung cho nhau rất cao. Chúng ta nhập khẩu phần lớn các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất như: phân bón, sắt thép, hoá chất… của Trung Quốc. Còn xuất khẩu, chúng ta xuất khẩu các mặt hàng: cao su, rau hoa quả nhiệt đới, hải sản, than đá… sang Trung Quốc; Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, thì các doanh nghiệp của hai nước cũng chưa phải là những doanh nghiệp có tố chất của những tập đoàn xuyên quốc gia thế giới, cho nên tiếng nói gặp nhau, phong tục tập quán của hai nước tương đồng. Đây cũng là một thuận lợi cho quan hệ kinh tế của hai nước; Thứ ba, hai nước đang tiến hành một loạt các hợp tác lớn trong lĩnh vực kinh tế. Đó là động lực giúp các ngành kinh tế cùng phát triển; Thứ tư, tình hữu nghị của nhân dân hai nước được hai Đảng và hai Chính phủ luôn và quan tâm vun đắp./. |