Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo Thái Lan, Việt Nam tăng nhờ hợp đồng mới với Indonesia
06 | 04 | 2018
Giá gạo xuất khẩu tăng trong tuần này tại Thái Lan và Việt Nam nhờ hợp đồng xuất khẩu gần đây với Indonesia; trong khi đó, nhu cầu mạnh cũng kéo giá gạo Ấn Độ tăng. Trước đó, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia Bulog đã mua khoảng 500.000 tấn gạo, trong đó có 300.000 tấn gạo từ Việt Nam và 200.000 tấn gạo từ Thái Lan, theo thỏa thuận đạt được vào tuần trước.

Giá gạo Thái 5% tấm tăng vọt từ mức 415 – 435 USD/tấn trong tuần trước lên 430 – 448 USD/tấn trong tuần này, FOB Bangkok, sau thỏa thuận với Indonesia. “Giá tăng trong tuần này do một số nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết đã bán gạo cho chính phủ Indonesia”, một thương nhân tại Bangkok cho hay. Một thương nhân khác thông báo một số nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang thu mua gạo để bù đắp vào lượng gạo đã xuất đi, trong khi các hoạt động xuất khẩu sang thị trường khác khá im ắng. “Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan có thể có một số hợp đồng mới nhưng họ cho rằng giá có thể sẽ tăng cao thêm nếu chờ đợi. Trong khi đó, khách hàng của tôi đang ngừng đặt hàng bởi giá gạo đã ở mức quá cao. Họ lựa chọn chờ và quan sát”.

Tại Việt Nam, giá gạo chào bán tăng tuần thứ hai liên tiếp nhờ hợp đồng với Indonesia, giữa thông tin về khả năng Việt Nam sắp sửa ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo sang Philippines. Giá gạo Việt 5% tấm tăng từ 410 – 428 USD/tấn hồi tuần trước lên 425 – 430 USD/tấn trong tuần này. “Chúng tôi nghe nói Philippines sẽ sớm mở thầu mua khoảng 250.000 tấn gạo, có thể trong tuần này hoặc tuần tới”, một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay. “Tôi nghĩ giá gạo sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, mặc dù thu hoạch vụ đông xuân đang trong giai đoạn cao điểm”.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm tăng 2 USD/tấn so với tuần trước lên 427 – 431 USD/tấn do nhu cầu vẫn cao, nguồn cung thấp. “Nhu cầu từ châu Phi tăng”, theo một nhà xuất khẩu tai Kakinada cho hay.

Trong khi đó, nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Bangladesh, mới nổi lên là nước nhập khẩu gạo lớn năm 2017 do lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa gạo nội địa, sẽ chậm lại trong những tháng tới do không có nhu cầu mới, theo thông tin từ ông Badrul Hasan, lãnh đạo cơ quan thu mua ngũ cốc Bangladesh. “Các kho dự trữ gạo của chúng tôi đã ở mức dồi dào và việc bán ra gạo ở mức giá trợ cấp đang giúp hạ nhiệt giá gạo trên thị trường nội địa”. Lượng gạo tại các nhà kho chính phủ của Bangladesh hiện ở mức gần 1 triệu tấn, chủ yếu nhờ lượng nhập khẩu cao kỷ lục 3,5 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm tài khóa hiện tại tính đến tháng 3/2018, dữ liệu Bộ Thực phẩm Bangladesh công bố tuần này cho thấy.

Theo Reuters (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường