Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Gần 50% xuất khẩu gạo của Campuchia qua kênh tiểu ngạch
05 | 04 | 2018
FAO dự báo 44% xuất khẩu gạo của Campuchia bị xuất lậu qua các kênh tiểu ngạch trong năm 2018 – một vấn đề dai dẳng làm giảm lợi nhuận và đe dọa làm lụn bại ngành gạo Campuchia.

Dự báo của FAO công bố tháng 3/2018 cho rằng xuất khẩu gạo năm 2018 của Campuchia sẽ đạt 1,35 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, chỉ 750.000 tấn gạo trong số này xuất qua kênh chính ngạch, theo nhận định của Shirley Mustafa, nhà kinh tế học của FAO. 600.000 tấn khác sẽ được vận chuyển “qua biên giới và không được ghi nhận” – lượng gạo này được thương lái mua trực tiếp từ nông dân và sau đó xuất lậu sang các nước láng giềng, thường là Việt Nam hoặc Thái Lan. Hoạt động buôn lậu này từ lâu đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành gạo Campuchia. Năm 2017, Campuchia ghi nhận xuất khẩu đạt 635.700 tấn nhưng FAO ước tính rằng có đến 650.000 tấn gạo xuất khẩu trong năm 2017 không được ghi nhận.

Tuy nhiên, ông Hean Vanhan, lãnh đạo ngành trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia cho rằng nếu chính phủ triệt phá hoạt động buôn lậu thì sẽ gây thiệt hại cho chính nông dân Campuchia. “Trong giai đoạn thu hoạch rộ, năng lực sản xuất chế biến của các nhà máy xay xát gạo địa phương không thể xử lý hết lượng thóc gạo từ nông dân nên lúa và gạo của Campuchia phải bán cho thương lái dọc biên giới”. Ông cho rằng vấn đề thiếu nguồn tài chính và năng lực dự trữ bảo quản lúa là nguyên nhân chính cho vấn đề này.

Chính phủ Campuchia đã triển khai một số động thái nhằm cải thiện năng lực dự trữ của ngành gạo Campuchia khi phân bổ 30 triệu USD các khoản vay để xây dựng 3 nhà kho và nhà máy chế biến lúa gạo mới. Tuy nhiên, tổng công suất bảo quản của 3 nhà kho mới này cũng chỉ ở mức 300.000 tấn gạo, thấp hơn nhiều so với tổng công suất yêu cầu để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu chính ngạch 1 triệu tấn gạo của chính phủ. “Để đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, chúng tôi cần bảo quản được xấp xỉ 2 triệu tấn lúa”, theo ông Hun Lak, phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia (CRF) cho biết, tức là gấp 6 lần tổng công suất bảo quản hiện nay.

Ngeth Chou, một nhà tư vấn cấp cao tại Emerging Markets Consulting, cho rằng chính phủ Campuchia nên bắt đầu rat ay đối với hoạt động xuất khẩu lậu tại các điểm kiểm tra biên giới để chặn đứng luồng gạo buôn lậu. “Campuchia sẽ mất rất nhiều tiền từ xuất khẩu gạo lậu”, ông cho biết uy tín quốc tế của gạo Campuchia đang bị thiệt hại nghiêm trọng.

Bất chấp hoạt động buôn lậu trên diện rộng, đây vẫn chưa phải là điểm tiêu cực duy nhất của ngành gạo Campuchia. Trung Quốc đã đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Campuchia từ 100.000 tấn năm 2016 và 200.000 tấn năm 2017 lên 300.000 tấn năm 2018. Tuy nhiên, ông Mustafa từ FAO cho rằng hoạt động sản xuất lúa gạo niên vụ 2017-18 của Campuchia cho tới này không mấy tích cực để có thể đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu. Vấn đề buôn lậu thậm chí còn bị chồng chéo với các vấn đề nội bộ của CRF, mà lãnh đạo cao nhất là ông Sok Puthyvuth, con rể thủ tướng Hun Sen. Ông Puthyvuth tái đắc cử làm chủ tịch CRF vào năm 2016 với chiến thắng sát sao 113/215 phiếu. CRF vừa công bố một đánh giá khắt khe về năng lực nội tại trong một báo cáo hồi tháng 1/2018, nhấn mạnh “CRF đang đối diện với rất nhiều thách thức”, bao gồm việc các thành viên hội đồng “cam kết tuân thủ các vấn đề nguyên tắc” lại chỉ xuất hiện “khi cuộc họp là về lợi ích của họ”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nông dân thường chịu thiệt thòi để mang lại lợi ích cho các nhà xay xát và thương nhân, phàn nàn từ các thành viên thường không được giải quyết, các quyết định từ các thành viên hội đồng thường không được thi hành và toàn bộ hệ thống yếu kém bởi tình trạng thiếu vốn. Khi nhắc đến vấn đề buôn lậu, báo cáo của CRF cho rằng hoạt đọng giao dịch biên giới đặt ra mối đe dọa sống còn đối với toàn bộ ngành gạo Campuchia.

Hơn 40% xuất khẩu gạo Campuchia là dành cho thị trường EU trong năm 2017, hiện đang có những yêu cầu nghiêm ngặt về xác minh nguồn gốc xuất xứ gạo. Nhưng thương mại biên mậu nghĩa là gạo Việt Nam có thể tuồn vào Campuchia, dán mác gạo Campuchia và sau đó xuất khẩu, là một sự vi phạm các quy định thương mại. Thực trạng này sẽ trực tiếp tác động tiêu cực đến quyền tiếp cận ưu đãi thị trường EU của Campuchia.

Trong một trường hợp riêng lẻ, Ý và 6 nước EU khác vừa nộp đơn kiện lên Ủy ban châu Âu hồi tháng 12/2017 liên quan đến gạo CAmpuchia. Các nước này kêu gọi ủy ban kích hoạt “điều khoản bảo vệ”, để hạn chế nhập khẩu gạo Campuchia khi các cáo buộc cho rằng gạo Campuchia gây mất cân bằng thương mại tại EU.

Te Taing Por, đối thủ cạnh tranh chức chủ tịch CRF với Puthyvuth hồi năm 2016, phát biểu rằng ông đồng ý hoạt động buôn lậu gạo là một vấn đề lớn đối với ngành gọa Campuchia và kêu goi chính phủ giảm thương mại phi chính thức. “Chính phủ nên biết về nghĩa vụ phải chấm dứt xuất khẩu phi chính thức. Chính phủ cần nỗ lực hơn để minh bạch hóa hoạt động, qua đó đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo”.

Theo Phnom Penh Post (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường