Trong khu vực châu Á, Trung Quốc đại lục được dự báo tiếp tục duy trì vị thế nước nhập khẩu lớn nhất, với 6,2 triệu tấn trong năm 2017, so với mức 5,9 triệu tấn trong năm 2016, do nước này tăng cường giám sát thương mại biên giới, làm giảm nhập khẩu gạo tiểu ngạch từ Việt Nam và Myanmar đến gần 1 triệu tấn gạo trong năm 2016, xuống còn 2,4 triệu tấn gạo. Tăng trưởng nhập khẩu gạo chính thức, ngược lại, liên tục tăng, chủ yếu do chênh lệch giá gạo Trung Quốc với giá gạo các nước trong khu vực. Chênh lệch này càng nới rộng sau khi sản lượng lúa gạo của Trung Quốc giảm trong năm 2016 và chính phủ nước này tiếp tục thu mua lúa gạo dự trữ. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có nới lỏng giám sát thương mại gạo biên giới hay xả bớt các kho ngũ cốc dự trữ của nhà nước hay không, trong bối cảnh các kho dự trữ ngày càng phình to. Hơn nữa, nhập khẩu gạo chính thức vẫn chịu chi phối bởi hạn ngạch khi một nửa hạn ngạch nhập khẩu 5,3 triệu tấn gạo hàng năm là dành cho gạo japonica và tỷ trọng tương đương dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Nhập khẩu gạo của Bangladesh năm 2017 được dự đoán đạt 250.000 tấn, so với mức 100.000 tấn năm 2016, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong mức nhập khẩu 1,1 – 1,3 triệu tấn hồi 2 năm trước đó. Nhập khẩu gạo của nước này hoàn toàn vận hành bởi khu vực từ nhân từ năm 2012, đã giảm mạnh do giá gạo nội địa giảm. Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu hoàn toàn thu mua gạo dự trữ từ thị trường nội địa và không nhập khẩu gạo trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, quy định này không loại trừ thỏa thuận cung ứng gạo với Thái Lan với lượng lên tới 1 triệu tấn gạo hàng năm.
Nhập khẩu gạo của Hàn Quốc sẽ đạt 450.000 tấn trong năm 2017, so với mức 320.000 tấn trong năm 2016. FAO cho rằng hạn ngạch Tiếp cận thị trường tối thiể WTO (MMA) sẽ được Hàn Quốc sử dụng toàn bộ trong năm 2017 và toàn bộ lượng gạo nhập khẩu sẽ được giao ngay trong năm 2017, bên cạnh lượng gạo MMA nhập khẩu năm 2016 vẫn đang trên đường vận chuyển tới Hàn Quốc.
Trong khi đó, FAO cho rằng nhập khẩu gạo năm 2017 của Philippines sẽ đạt 1,2 triệu tấn, so với mức 1 triệu tấn năm 2016, xét tới việc chính phủ nước này đã điều chỉnh quyết định nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo trước thời điểm dự đoán do tác động của các cơn bão lớn. Dự báo trên bao gồm cả nhập khẩu của khu vực tư nhân theo Lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) cũng như khả năng chính phủ nước này sẽ nhập khẩu thêm để bổ sung vào kho dự trữ. Chính phủ Philippines thường phải nhập khẩu thêm gạo để phân phối khi cần thông qua nhập khẩu do trong những năm gần đây, lượng gạo thu mua từ thị trường nội địa chỉ chưa đến 200.000 tấn. Quyết định cuối cùng về gia hạn quyền đặc biệt về gạo của WTP vẫn chưa được đưa ra. Các hạn ngạch nhập khẩu gạo của Philippines sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2017. Mặc dù các nghị sỹ Philippines quyết định sẽ ngừng áp dụng các hạn ngạch này, cơ quan nông nghiệp Phillipines vẫn tiếp tục xin gia hạn thêm 2 năm nữa để gia tăng cạnh tranh ngành gạo nội địa với gạo nhập khẩu.
Dự trữ giảm sau khi sản xuất năm 2015 suy giảm cả sản xuất và nhập khẩu khiến FAO dự báo nhập khẩu gạo của Iraq tăng thêm 200.000 tấn lên 1,1 triệu tấn trong năm 2017, nhằm đảo ngược tình trạng giảm mạnh tiêu dùng nội địa. Sự cần thiết phải bổ sung các kho dự trữ cũng khiến FAO nâng nhập khẩu gạo của Saudi Arabia thêm 100.000 tấn lên 1,4 triệu tấn. Do không sản xuất gạo nên Cô-oét, Oman, Singapore và UAE sẽ cần tăng nhập khẩu trong năm 2017 nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia được dự báo giảm. FAO dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2016 đạt 1,3 triệu tấn và giảm xuống còn 800.000 tấn năm 2017 nhờ sản xuất nội địa tăng. Động lực mới của chính phủ Indonesia để đạt mục tiêu tự cung tự cấp gạo cũng có thể cả bao gồm lượng gạo dự trữ đã nhập khẩu và khả năng của chính phủ thu mua nguồn gạo nội địa.
Nhờ triển vọng sản xuất tích cực, nhập khẩu gạo của Nepal năm 2017 sẽ giảm 8% xuống còn 460.000 tấn. Nhập khẩu gạo của Việt Nam được dự đoán giảm 18% trong năm 2017 xuống còn 450.000 tấn do nguồn cung nội địa dồi dào và tốc độ xuất khẩu giảm. Nhập khẩu gạo của Việt Nam thường qua kênh tiểu ngạch biên giới với nguồn gạo chính từ Lào và Campuchia. Một trong những thỏa thuận gạo giữa các quốc gia láng giềng đã được đàm phán lại gần đây, theo đó Việt Nam sẽ cho phép Campuchia xuất khẩu 300.000 tấn gạo phi thuế sang Việt Nam hàng năm.
Dựa trên các dữ liệu mới nhất, các nước châu Phi sẽ nhập khẩu 14,3 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng 1% so với năm 2016. Ở cấp quốc gia, Nigeria sẽ là nước tăng nhập khẩu mạnh nhất khu vực do giá gạo quốc tế đang ở mức thấp nên có thể thu hút nước này tăng mua. FAO dự báo nhập khẩu gạo của Nigeria sẽ tăng từ 2,3 triệu tấn năm 2016 lên 2,5 triệu tấn năm 2017, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với lượng nhập khẩu 3,4 triệu tấn trong năm 2014. Nhập khẩu gạo của Nigeria bị kìm hãm bởi đồng Naira yếu, các thuế nhập khẩu quá cao và các hạn chế chính thức về nhập khẩu gạo qua biên giới trên bộ, đồng thời các nhà giao dịch gạo bị hạn chế tiếp cận ngoại hối. Các yếu tố này được dự báo sẽ tiếp tục kìm hãm nhập khẩu gạo của Nigeria trong những năm tới.
Giá gạo nội địa tăng tại Mozambique và Liberia do thời tiết bất lợi và đồng nội tệ yếu đi làm giảm nguồn cung. Do nhu cầu bổ sung lượng gạo dự trữ, FAO dự báo nhập khẩu gạo của Liberia năm 2017 sẽ đạt 330.000 tấn và của Mozambique đạt 520.000 tấn.
Nhập khẩu gạo của Kenya và Ethiopia cũng được dự báo tăng do tăng trưởng nhu cầu đang vượt tăng trưởng sản xuất. FAO cũng dự báo nhập khẩu gạo của Benin, Burkina Faso, Chad, Niger và Rwanda đều tăng. Ngược lại, FAO dự báo nhập khẩu gạo của Mali và Tanzania sẽ giảm xuống lần lượt còn 150.000 tấn và 110.000 tấn nhờ sản xuất nội địa bội thu.
FAO cũng cho rằng Senegal sẽ giảm nhập khẩu gạo 4% trong năm 2017 xuống còn 1,2 triệu tấn nhờ sản lượng gạo nội địa tăng và chính phủ nước này từng bước bảo hộ thị trường nội địa bằng cách gắn các giấy phép nhập khẩu với nghĩa vụ thu mua lúa gạo nội địa. Nhờ tăng mạnh nhập khẩu trong năm 2016, nhập khẩu gạo của Ghana và Bờ Biển Ngà sẽ giảm tốc trong năm 2017 và lần lượt giảm xuống còn 670.000 tấn và 1,4 triệu tấn.
Tại các khu vực khác trên thế giới, FAO dự báo EU sẽ tăng nhu cầu đối với gạo indica và gạo thơm, đưa nhập khẩu gạo của khu vực này trong năm 2017 tăng 3% lên 1,9 triệu tấn.
Theo FAO