Lượng xuất khẩu gạo, không tính gạo cứu trợ, đã tăng 33% trong 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, lên 7.673 tấn và thậm chí chưa tính đến lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm thì kim ngạch xuất khẩu này đã vượt mức kỷ lục 7.640 tấn trong năm 2015. Trong tháng 11, thương hiệu gạo Yumepirika từ Hokkaido đã ra mắt tại các chuỗi siêu thị cao cấp tại Thượng Hải, là kết quả của chiến dịch bán hàng tích cực được dẫn dắt bởi thượng nghị sỹ Harumi Takahashi. Nhà phân phối loại gạo này là Kitoku Shinryo đặt mục tiêu tăng xuất khẩu từ mức 1.000 tấn/năm hiện nay lên 3.000 tấn vào năm 2020.
Trong một nỗ lực thúc đẩy sản xuất gạo tại Đông Nam Á, Kitoku Shinryo gần đây đã đầu tư vào một công ty liên quan đến thực phẩm tại Việt Nam. Công ty kỳ vọng sẽ mở rộng diện tích sản xuất để thiết lập một vị thế vững chắc trong chế biến và kinh doanh gạo tại Việt Nam.
Theo ông Dennis Wu của Aji-No-Chinmi, một nhà giao dịch Hong Kong chuyên về thực phẩm Nhật, người tiêu dùng nhận thấy gạo Nhật rất ngon và giờ mặt hàng này đã có sẵn tại các địa điểm phân phối nội địa. Sự phổ biến của gạo Nhật bắt đầu mạnh lên từ khoảng năm 2012, khi nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Nhật Bản là Kubota bắt đầu xây dựng mạng lưới hậu cần cho chế biến gạo tại Hong Kong và Singapore.
Cho tới này, nhu cầu nội địa của Nhật, ước đạt khoảng 7,66 triệu tấn từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2016, giảm 80.000 tấn hàng năm và kim ngạch xuất khẩu gạo cao kỷ lục không bù đắp được nhu cầu nội địa suy giảm. Giá cao là một rào cản kinh doanh gạo Nhật trên thị trường quốc tế. Tại các cửa hàng tại Hong Kong, giá gạo Nhật dao động từ 130 – 140 đôla Hong Kong cho 2kg (tương đương 16,7 – 18 USD/2kg) – cao gấp 3 lần so với giá gạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số công ty đang tận dụng lợi thế giá cao. Nhà sản xuất máy móc xay xát gạo và bán lẻ Toyo Rice bắt đầu bán ra loại gạo đắt nhất thế giới, được chứng nhận kỷ lục Guinness. Loại gạo này được trộn giữa một vài loại, có giá 11.304 Yên/kg, tương đương 97,96 USD/kg, cao gấp 30 lần so với loại gạo được tiêu dùng phổ biến là Koshihikari. Chứng nhận Guinness đã xóa bỏ sự cần thiết phải giải thích giá cao khi bán loại gạo này cho những người tiêu dùng giàu có trên thế giới.
Chỉ 120kg loại gạo đắt đỏ này được cung ứng tại thị trường Hong Kong và các nhà sản xuất Nhật Bản đang có kế hoạch tăng xuất khẩu loại gạo này, phụ thuộc vào tình hình sản xuất trong năm 2017.
Theo Nikkei