Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
IGC đánh giá triển vọng cung – cầu ngũ cốc toàn cầu
09 | 12 | 2016
Các thành viên của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã nhóm họp tại Luân Đôn hôm 5/12 vừa qua trong cuộc họp thường niên lần thứ 44 để thảo luận về triển vọng cung – cầu và diễn biến thị trường các loại ngũ cốc, gạo và hạt có dầu.

IGC cho biết tổng sản lượng ngũ cốc toàn càu (lúa mỳ và các ngũ cốc thô) được dự báo đạt mức cao kỷ lục 2,084 tỷ tấn trong niên vụ 2016/17, tăng 81 triệu tấn so với niên vụ trước, chủ yếu do sản lượng lúa mỳ và ngô cao kỷ lục. Tăng mạnh tiêu dùng đẩy mức tiêu dùng dự đoán đạt mức cao kỷ lục 2,056 tỷ tấn, tăng 73 triệu tấn trong cùng kỳ so sánh, do nguồn cung dồi dào và giá hấp dẫn thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời tăng trưởng dân số góp phần làm tăng nhu cầu thực phẩm, theo IGC phân tích. Nhu cầu ngũ cốc cho chế biến công nghiệp cũng được dự đoán tăng, chủ yếu cho ethanol và tinh bột. Theo IGC, lúa mỳ và ngô được dự báo chiếm phần lớn lượng dự trữ tăng mà tổ chức này dự báo, với dự trữ cuối kỳ sẽ vượt 500 triệu tấn lần đầu tiên trong lịch sử. Bất chấp thương mại lúa mỳ được dự đoán cao kỷ lục, thương mại ngũ cốc sẽ giảm 6 triệu tấn xuống còn 338 triệu tấn, chủ yếu do lúa mạch và cao lương.

Bắc bán cầu đang sản xuất lúa mỳ vụ đông từ đầu tháng 12, với dự báo sơ bộ diện tích thu hoạch lúa mỳ năm 2017/18 toàn cầu ít biến động. Điều kiện sản xuất thuận lợi.

Với những vụ sản xuất được dự đoán bội thu tại các nước sản xuất hàng đầu ở châu Á, sản lượng gạo toàn cầu được IGC dự báo tăng 3% lên mức cao kỷ lục 485 triệu tấn. Và bất chấp tổng tiêu dùng cũng được dự đoán tăng, dự trữ gạo cuối kỳ cũng được dự đoán tăng nhẹ do suy giảm xuất khẩu của các nước xuất khẩu lớn được bù đắp bởi tăng dự trữ tại những nước khác, đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Lượng gạo giao dịch năm 2017 được dự báo tăng 2% nhờ nhu cầu tăng tại các nước nhập khẩu lớn của châu Á và châu Phi, với Ấn Độ được IGC dự báo tiếp tục duy trì vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Sản xuất đậu tương toàn cầu được dự báo tăng 7% so với niên vụ trước, đạt mức 336 triệu tấn, nhờ sản lượng cao kỷ lục tại Mỹ – với vụ thu hoạch đã hoàn thành, và Brazil. Dự trữ đậu tương cuối kỳ toàn cầu tăng do tăng mạnh sản lượng tại Mỹ. Thương mại đậu tương được IGC dự báo tăng 3% lên mức kỷ lục mới 137 triệu tấn, với xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 thương mại đậu tương toàn cầu.

Chỉ số giá các loại hạt có dầu và đậu tương IGC (GOI) chỉ tăng nhẹ so với mức năm ngoái, với giá lúa mỳ, lúa mạch và gạo được dự báo giảm, giá ngô và đậu tương được dự báo tăng. Gặp áp lực nguồn cung dồi dào, giá lúa mỳ trung bình đã chạm mức gần thấp nhất trong 10 năm, giá lúa mạch ở mức thấp nhất trong khoảng 6 vụ sản xuất, trong khi các giá gạo chào bán ở mức thấp nhất trong khoảng 9 năm, theo IGC. Ngược lại, các thị trường đậu tương tăng giá mạnh nhờ xuất khẩu tăng mạnh bù đắp áp lực gây ra bởi triền vọng nguồn cung dồi dào. Giá ngô tăng nhẹ chủ yếu phản ánh nguồn cung giảm tại Nam Mỹ nhưng gặp áp lực giảm giá do sản lượng cao kỷ lục tại Mỹ. IGC cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của biến động tỷ giá, các vấn đề hậu cần tại một số khu vực và khuynh hướng tăng cước vận tải đường biển, lên các loại ngũ cốc, gạo và các loại hạt có dầu. Mặc dù cước phí vận chuyển hàng khô đã giảm đà phục hồi trong năm 2016 nhưng vẫn chạm mức cao nhất trong gần 2 năm vào tháng 11 vừa qua.

Theo World Grain



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường