“Châu Á nổi lên là tiền phương của xu hướng số hóa toàn cầu, với sự tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và các đổi mới”, theo Miguel Warren, trưởng khu vực Đông Nam Á của Payoneer Philippines. “Tăng trưởng bắt đầu tại Trung Quốc… Thương nhân Trung Quốc đang là những người dẫn đầu hưởng lợi từ mô hình thị trường trực tuyến này và đang tiến ra quốc tế”.
Nhưng Payoneer, một công ty chuyên về thanh toán điện tử, đang hướng đến cả Trung Quốc lẫn những láng giềng phía nam. Trong báo cáo gần đây của công ty mang tên “Digital Economy in Asia: Insider’s Guide into the Global Opportunity“, công ty đã xác định những cơ hội tại các thị trường như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. “Các nước như Việt Nam, và khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung, đang nhanh chóng theo chân sự phát triển của Trung Quốc. Trong vài năm qua, các thị trường trực tuyến như Lazada, Rakuten, Flipkart và Shopee đang giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bán hàng trực tuyến trong khu vực châu Á Thái Vình Dương và mang lại cho họ kinh nghiệm cần để mở rộng trên khắp toàn cầu”, ông Warren phát biểu. “Khi các doanh nghiệp này trưởng thành thì sẽ dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng như chúng ta thấy gần đây”.
Việt Nam đặc biệt có tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử nhờ bản chất nền kinh tế và sản xuất, ông Warren phát biểu. “Việt Nam có nền văn hóa mạnh và kinh nghiệm sản xuất – xuất khẩu. Các doanh nghiệp nội địa có nền tảng cần thiết để sản xuất hàng hóa cho cộng đồng người tiêu dùng toàn cầu”, ông phân tích. Ông cho rằng hai động lực chính cho tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam là: sự thâm nhập sâu của internet và lực lượng lao động ngày càng tăng.
Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam rất sành công nghệ, được giáo dục tốt và có kỹ năng kinh doanh cần thiết, rất phù hợp để thành công trong thị trường số hóa hiện nay. Cộng với một nền kinh tế đang phát triển và chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, doanh nghiệp nội địa đang ở vị thế hoàn hảo để bán hàng hóa vào các thị trường tiêu dùng phát triển trên toàn cầu.
Các nhà chức trách Việt Nam dự báo tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử sẽ từ 30 – 50%/năm. Bất kể dự báo này có thành hiện thực hay không, sự ưa thích mua sắm trực tuyến đang ngày càng tăng; hàng điện tử, viễn thông và thời trang là những động lực tạo doanh thu chính.
Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người dùng internet và dự báo cho thây con số này sẽ chạm mức gần 60 triệu trong 4 năm tới. Sự phổ biến của sử dụng điện thoại di động cũng đang thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam và trên toàn khu vực. Nhưng ví điện tử cũng đóng một vai trò không thể tách rời, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển có tỷ lệ dân số không có tài khoản ngân hàng còn cao. Tính đến năm 2014, chỉ có 31% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng chính thức và đây có thể được coi là một rào cản tiếp cận dịch vụ và hàng hóa trực tuyến.
Tuy nhiên, chủ tịch Garena Group Nick Nash phát biểu trước McKinsey là điện hoại di động và ví điện tử có thể tạo ra một câu chuyện hoàn toàn khác cho tăng trưởng thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Thậm chí những người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng chính thức cũng có thể mở ví điện tử và kết nối họ với những người bán tại địa phương. Ngày càng nhiều nhà bán lẻ thương mại điện tử chấp thuận thanh toán bằng ví điện tử, mở rộng khả năng tiếp cận cho người tiêu dùng nội địa – đồng thời mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người bán.
Đặc điểm tích cực là dân số Việt Nam còn trẻ. Độ tuổi trung vị tại Việt Nam là 30,4 trong năm 2015, và người trẻ Việt Nam ngày càng được giáo dục tốt hơn, kết nối rộng hơn với thế giới. Điều này khiến Việt Nam trở nên rất hấp dẫn với các nhà bán lẻ trực tuyến. “Việt Nam có dân số trẻ và kết nối internet rất mạnh, giúp người tiêu dùng nhanh chóng thâu nạp những xu hướng và công nghệ mới, và có khuynh hướng chạy theo các thương hiệu có năng lực kết nối và tương tác mạnh với người tiêu dùng”, ông Warren giải thích. “Rất nhiều doanh nghiệp trực tuyến có mối quan tâm tới hoạt động kinh doanh trong cộng đồng địa phương”.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa trên xa lộ hướng tới sự giàu sang. Ông Warren cho rằng bất chấp sự hào hứng của giới trẻ Việt Nam và những người mua kết nối công nghệ, chỉ 30% người tiêu dùng kết nối internet có mua sắm trực tuyến. “Các thách thức và cơ hội tại thị trường Việt Nam là song hành chặt chẽ với nhau”, ông nhận định. “Trong khi người Việt Nam đang ngày càng cởi mở với thương mại điện tử hơn rất nhiều thị trường khác, chặng đường phát triển trong tương lai còn rất dài:.
Một phần tăng trưởng sẽ gắn với các sở thích thanh toán nội địa và vượt qua nghi ngại của người tiêu dùng về độ “xịn” của sản phẩm. “Các thương hiệu thành công tại Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng”, ông Warren nhận định. “Việt Nam cũng cần đầu tư nhiều hơn vào logistics và cơ sở hạ tầng thanh toán cho thị trường nội địa”. Để kết thúc báo cáo, Payoneer cho biết đang phát triển một mạng lưới đối tác địa phương tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng một mạng lưới thanh toán mà cả các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đều có thể tin tưởng.
Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với các thị trường khác về khía cạnh ứng dụng thương mại điện tử và doanh thu từ thương mại điện tử. Nhưng những tập đoàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Alibaba và Amazon đang tiến quân vào thị trường này – chưa kể đến công ty nội địa NextTech đang tìm cách cạnh tranh tìm vị thế áp đảo – rõ ràng chu kỳ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam mới chỉ bắt đầu.
Theo Forbes (gappingworld.com)