Bên cạnh đó, 21,2% người bình chọn cho sự kiện các tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới triển khai các dịch vụ tại thị trường Việt Nam (Ebay, Google, Yahoo). Sự kiện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) được thành lập đạt tỷ lệ 17,3%, khung pháp lý cho thương mại điện tử đi vào cuộc sống đạt tỷ lệ 12,4% và sự kiện 30/64 tỉnh/ thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tới 2010 chiếm 8%.
Theo Vụ phó Vụ Thương mại điện tử, kết quả bình chọn này hoàn toàn trái ngược với những dự báo trước đó của Bộ Công Thương, khi Vụ Thương mại điện tử đánh giá sự kiện quan trọng nhất là khung pháp lý cho thương mại điện tử đã đi vào cuộc sống. Bởi trong năm 2006, trở ngại hàng đầu đối với thương mại điện tử là do nguyên nhân chưa có hạ tầng pháp lý.
Nếu nhìn lại cả một chặng đường thì năm 2007 là năm bản lề, đặt dấu ấn cho thương mại điện tử phát triển bằng khung pháp lý hoàn thiện. Với Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại sửa đổi, Nghị định Thương mại điện tử và 3 nghị định mới được ban hành gồm Nghị định Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng đã đủ cơ sở pháp lý để thương mại điện tử hoạt động.
Hiện nay, các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những văn bản, thông tư dưới luật để hướng dẫn và quy định chi tiết hơn. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán...
Đề cập đến những vấn đề gây trở ngại khi ứng dụng thương mại điện tử trong năm 2007 thì vấn đề an ninh mạng đã được doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá là trở ngại hàng đầu (trong năm 2006, an ninh mạng là trở ngại thứ 3, sau trở ngại về nhận thức về thương mại điện tử và trở ngại về thanh toán thương mại điện tử). Tiếp sau đó là trở ngại về thanh toán thương mại điện tử, về nhận thức và pháp lý.
Năm 2008 được Vụ Thương mại điện tử dự báo sẽ là năm các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào thương mại điện tử, mô hình hoạt động B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) sẽ phát triển song song với phương thức thanh toán trực tuyến. Đồng thời, việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động chứng nhận cấp xuất xứ điện tử sẽ được triển khai ứng dụng rộng rãi...
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương tính đến thời điểm này cho thấy đang có khoảng 38% số doanh nghiệp Việt Nam có website riêng và hơn 93% số doanh nghiệp kết nối Internet để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.