Trong năm 2007, Sở Thương mại Hà Nội đã cấp 13 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn cho các doanh nghiệp. Các công ty này chủ yếu kinh doanh mặt hàng tiêu dùng như điện, điện tử, thực phẩm chức năng (thực phẩm bổ dưỡng, thực phẩm chăm sóc sức khoẻ), hoá mỹ phẩm. Nhưng đến nay chỉ còn 11 công ty hoạt động bán hàng đa cấp do đã có 2 công ty xin rút Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp là Công ty TNHH Thương mại Quy Xuyên, Công ty XNK Thái Bình.
Thời gian qua, hầu hết các công ty đều kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu hoặc các mặt hàng sản xuất trong nước nhưng rất khó xác định giá trị thật của sản phẩm. Nổi bật trong các mặt hàng là nhóm các sản phẩm như thực phẩm chức năng được các công ty kinh doanh nhiều nhất. Đây là các mặt hàng làm cho người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn sang các sản phẩm có khả năng chữa bệnh. Đặc biệt một số công ty còn hướng dẫn cho các phân phối viên khi giới thiệu với khách hàng đây là sản phẩm chữa bệnh. Tuy nhiên, để có cơ sở kết luận hành vi trên là điều rất khó.
Trên thực tế, hầu hết các công ty đã được cấp Giấy Đăng ký đều không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ, công khai Hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn trưng bày sản phẩm chưa được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Cá biệt còn có doanh nghiệp chưa đăng ký với cơ quan thuế và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước mặc dù đã được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp trước thời điểm kiểm tra 7 tháng.
Theo hồ sơ xin cấp Giấy Đăng ký bán hàng đa cấp, các công ty không có qui định ràng buộc phải mua bất cứ sản phẩm nào khi muốn trở thành thành viên của mạng lưới. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hiện, các doanh nghiệp hầu hết đều yêu cầu các phân phối viên phải mua một lượng hàng hoá nhất định thì mới được tham gia mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp. Việc phát hiện được hành vi này rất khó, đòi hỏi phải thâm nhập vào được mạng lưới của công ty.
Công tác quản lý kinh doanh đa cấp hiện gặp nhiều khó khăn do hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh phân phối mới, phức tạp. Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này chưa nắm vững quy định của luật pháp. Một trong những điều gây khó khăn cho công tác quản lý là, các công ty kinh doanh theo hình thức đa cấp thường hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động nghèo ở các tỉnh để mời tham gia vào mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp. Hơn nữa, hiện không kiểm tra được việc doanh nghiệp có đưa vào bán hàng đa cấp các mặt hàng này hay không vì doanh nghiệp vẫn được phép kinh doanh thông thường các mặt hàng này và kinh doanh tại cùng một địa điểm với kinh doanh đa cấp. Mặt khác, đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở giao dịch chưa có trong mẫu đơn đăng ký quy định tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn số 19/2005/TT-BTM, địa chỉ trụ sở kinh doanh chưa có trong mẫu đơn đăng ký gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, thu thuế…
Bà Hà Tuyết Hoa - đại diện Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng, để đưa hoạt động kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép cần phải thường xuyên để phát hiện và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình làm trái các quy định của nhà nước.