Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
TP.HCM: Cấm cửa hàng bán lẻ thịt, cá, rau củ?
03 | 08 | 2009
* Thịt, cá chỉ được bán lẻ tại ba nơi: siêu thị, chợ, cửa hàng văn minh tiện lợi. * Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, toàn thành phố có 238 chợ hợp pháp, 82 siêu thị và 22 trung tâm thương mại.

 

Liệu hệ thống cửa hàng bán lẻ thực phẩm thế này có được xem là văn minh tiện lợi? Ảnh: HTD
Ngày 31-7, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 64 về quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm tại thành phố, trong đó siết chặt việc bán lẻ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau củ quả...

Việc bán buôn nông sản, thực phẩm chỉ tập trung tại ba chợ đầu mối là chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và chợ đầu mối Bình Điền (quận 8).

Các tuyến đường bao quanh ba chợ đầu mối cũng không được kinh doanh nông sản, thực phẩm, dù là bán buôn, bán lẻ hay lập kho chứa hàng nông sản, thực phẩm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-8.

“Văn minh tiện lợi” mới được bán

Cụ thể, chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được phép bán lẻ ba loại mặt hàng: Rau củ quả (tươi hoặc đông lạnh); thịt gia súc, gia cầm, nội tạng dạng thịt (tươi, đông lạnh hoặc có qua sơ chế); các loại khô, mắm, thủy sản (tươi hoặc đông lạnh) như cá, tôm, cua, mực... Như vậy, có thể hiểu các cửa hàng bán lẻ khác tại TP.HCM sẽ không được bán ba loại mặt hàng kể trên.

Ngoài các cửa hàng thực phẩm riêng lẻ do cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thì hiện nay, một số doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều có hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Ông Châu Nhựt Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết hiện công ty có hệ thống hơn 60 cửa hàng bán lẻ thịt gia cầm nằm rải rác khắp TP.HCM, đáp ứng đủ điều kiện cũng như giấy phép kinh doanh thực phẩm.

Vấn đề là hiện chưa có văn bản định nghĩa đầy đủ như thế nào là “cửa hàng văn minh tiện lợi”. Liệu các cửa hàng bán lẻ và hệ thống cửa hàng bán lẻ nông sản, thực phẩm hiện nay có được xem là “văn minh tiện lợi” hay không?

Đang bán có phải ngưng?

Hiện nay, thịt, thủy sản, rau củ quả được xem là thực phẩm có nguy cơ cao (theo Nghị định 163 năm 2004 về vệ sinh an toàn thực phẩm). Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao phải đáp ứng điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, con người đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do sở y tế cấp.

Quyết định 64 gây ra nhiều băn khoăn. Bởi lẽ trước đây vào năm 2003, TP.HCM từng quy hoạch một số tuyến đường tại quận 1, 5, 6, 8, Thủ Đức và huyện Hóc Môn không được kinh doanh nông sản, thực phẩm (bán buôn lẫn bán lẻ).

Trong lần quy hoạch đó, thành phố yêu cầu cơ quan quản lý không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm trên các tuyến đường này.

Hướng xử lý đối với những tổ chức, cá nhân đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào thời điểm đó là phải di dời ra khỏi tuyến đường cấm. Nếu không di dời địa điểm thì phải chuyển sang kinh doanh ngành, nghề khác.

Nay Quyết định 64 mở rộng quy hoạch, cấm bán lẻ thịt, cá, rau củ quả trên toàn thành phố (trừ chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng văn minh tiện lợi) chứ không giới hạn ở một số tuyến đường nữa.

Quyết định 64 cũng thòng thêm quy định: “Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh không đúng theo quy định”.

Thế nhưng Quyết định 64 không nói rõ biện pháp xử lý đối với các điểm kinh doanh đang có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ như thế nào. Liệu các điểm này có bị buộc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh không? Nếu các điểm này vẫn tiếp tục kinh doanh thì liệu có bị xử phạt không?

Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM



Báo cáo phân tích thị trường