Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm leo thang, dân phải cắt giảm thói quen chi tiêu
10 | 08 | 2011
Chỉ trong tuần đầu tháng 8, giá gạo đã tăng hơn 1.000 đồng/kg, giá rau xanh tăng thêm 1.000 - 3.000 đồng/kg. Còn giá thịt heo, cá biển, thịt bò, thịt gà so với một tháng trước, đã tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.

Hầu như tất cả các mặt hàng đều tăng giá

Bà Nguyễn Như Mai, nhà ở đường Đặng Chất, P.2, Q.8 đã hỏi đại lý bán gần nhà về giá gạo thơm Đài Loan vào tuần trước, chỉ có 17.500 đồng, trù trừ chưa kịp mua thì sáng 4.8 chủ cửa hàng gạo cho biết giá đã là 18.500 đồng/kg. Hiện nay, loại gạo trắng thường, gạo bụi nở từ mức 10.800 đồng đã lên đến 12.000 đồng. Các loại gạo thơm như tám thơm, thơm thái, thơm Đài Loan, jasmine… đều tăng giá từ 700- 800 đồng/kg.

Đến tuần đầu tháng 8 thì giá thịt ba rọi và sườn non loại 1 ở các chợ đã là 130.000 - 140.000 đồng/kg. Theo tổng cục thống kê, một tháng qua giá thịt heo đã tăng 6,98%.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ vẫn khá ổn định, khoảng 1.650 - 1.700 tấn/đêm. Ghi nhận từ ban quản lý chợ, lượng cá biển có giảm một ít do thời tiết và mùa vụ, nhưng có lượng cá đồng bù vào nên giá cá biển vẫn như cũ và tổng lượng cung không bị ảnh hưởng. Nhưng ở các chợ lẻ, giá cá biển bị đẩy lên. Cá nục tăng giá thêm gần 10.000 đồng, lên đến 70.000 đồng/kg, cá thu tăng giá hơn 15.000 đồng, lên đến 115.000- 120.000 đồng/kg. Cá đồng dù lượng cung từ chợ đầu mối tăng, giá vẫn nhích thêm khoảng 2.000 - 8.000 đồng/kg. Cá điêu hồng từ 45.000 lên 48.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, nguồn cung rau quả, theo ban quản lý chợ Thủ Đức, so với mức bình quân 3.000 tấn/đêm, trong những ngày vừa qua có đêm về đến 3.700- 3.900 tấn. Giá các loại đều tương đối ổn định, chỉ có bí đao tăng thêm 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở các điểm bán lẻ trong chợ, quầy sạp lề đường, xe bán rong… thì giá rau củ đều tăng thêm 1.000- 3.000 đồng/kg. Theo một số tiểu thương mưa bão nhiều, rau bị hư dập nên giá tăng.

Lý do tăng giá, đa phần đều nằm ngoài khả năng tác động của các tiểu thương, người bán lẻ, như ở mặt hàng thịt heo là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Ở mặt hàng như gạo, tôm… do áp lực từ giá xuất khẩu đang tăng nên hút hàng, khiến nguồn cung nội địa bị giảm. Cụ thể, theo công ty lương thực TP.HCM, thì giá nguyên liệu đang tăng mạnh, so với tuần trước đã tăng 700-1.000 đồng một kg . Gạo 5% tấm trước đây mua dưới 10.000, khoảng 9.200-9.400 thì hiện đã lên 10.500 đồng. Gạo 15% tấm hiện 10.000 đồng, trước đó chỉ 8.700-8.800 đồng/kg.

Nhưng cũng có khi giá tăng nằm ở khâu bán lẻ, như việc tăng giá của rau củ, thủy hải sản… chịu tác động từ chi phí vận chuyển tăng do mưa bão, hao hụt nhiều do sức mua kém, trời mưa liên tục khiến hàng bị hư hỏng tăng, nên người bán đẩy chi phí vào giá.

Sức mua ngày càng yếu hơn

Theo vụ trưởng Vụ Giá của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Đức Thắng, do chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong rổ hàng hoá chung, giá thực phẩm tăng cao trong tháng 7 chính là “thủ phạm” chính đẩy CPI đạt mức tăng cao nhất so với các tháng khác tính từ năm 1995 trở lại đây, cũng là nguyên nhân chủ yếu “đẩy” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng tới 1,17% so với tháng 6.

 

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy CPI tháng 7 đã tăng 1,17% so với tháng 6; CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2011 đã tăng 16,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2010, và tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hoá chung với mức tăng từ 0,26-2,12%.( Chỉ có nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,02%).

Dẫn đầu về mức tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,12%; trong đó, thực phẩm tăng “kỷ lục” 3,2%.

Vào ngày 6.8, quốc hội đã thông qua việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu từ tiền lương tiền công, dưới 9 triệu đồng/tháng để người dân có thể vượt qua tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao, đời sống ngày càng khó khăn. Thực tế với người dân đô thị như khu vực TPHCM, mức chi tiêu cơ bản của không ít hộ gia đình đã vượt mức 9 triệu/tháng.

Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ trên đường Calmette Q1 cho biết: “Chỉ riêng chi phí ăn uống cho gia đình tôi gồm 5 người lên hơn 10 triệu đồng/tháng. Tính ra chi cho một người ăn uống khoảng 70.000 đồng mỗi ngày". Theo bà Hằng, trở ngại chính của gia đình bà hiện nay là thu nhập không cân đối với tăng giá, nên ngoài việc lôi tiền dự trữ ra bù vào chi tiêu hàng tháng, còn phải cắt giảm nhiều thói quen chi tiêu gia đình như bữa ăn ngoài, mua sắm quần áo…

Chợ đầu mối Thủ Đức vốn hoạt động suốt đêm, nghỉ vào khoảng 7 giờ sáng. Nhưng hiện nay ban quản lý đã phải chấp nhận giải pháp cho mở cửa hoạt động đến 10 giờ trưa theo yêu cầu của tiểu thương. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc chợ Thủ Đức nói: “Do mối mua sỉ lấy hàng ít, rau củ quả còn tồn nhiều, các tiểu thương phải ráng bán thêm ban ngày đón khách mua lẻ, nhằm bán cho hết lượng hàng đã lấy.” Thế nhưng trên thực tế, sau 10 giờ một số sạp vẫn còn rau củ quả dôi dư, phải chấp nhận đổ bỏ.

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark ghi nhận: “sức mua hàng thực phẩm vẫn tăng từ 8% - trên 10% trong các tháng qua, đang có chiều hướng giảm xuống từ cuối tháng 7 và có lẽ sẽ kéo dài đến hết tháng 8 hoặc hơn nữa nếu giá vẫn còn tăng.” Theo lý giải của bà Thảo, khả năng chi tiêu của các gia đình đã đi đến giới hạn cuối cùng. Chính vì vậy trong thời gian này họ cần phải tiết kiệm cả phần ăn uống để tránh thiếu trước hụt sau.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường