|
Mộc Châu là vùng đất tuyệt vời nhất tại Việt Nam để chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Ngọc Hoàng GTNfoods |
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện Cục Chăn nuôi đang tập trung phát triển mạnh chăn nuôi tại các vùng có lợi thế, nhằm từng bước cơ cấu lại sản xuất, hướng đến sự bền vững.
Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ căn cứ vào lợi thế của từng vùng để tận dụng thời cơ phát triển. Đối với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có lợi thế trồng cây thức ăn xanh, cây dược liệu thì ngành sẽ tập trung chăn nuôi đại gia súc.
Tại khu vực miền Trung gặp khó khăn về nguồn nước sẽ tổ chức nuôi cừu, dê, đà điểu... bởi các loại gia súc này có khả năng thích ứng với điều kiện khô cằn. "Tương lai khu vực này sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi các loại gia súc trên theo hướng công nghệ cao" - ông Vân cho hay.
Còn đối với khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung chăn nuôi lợn, gia cầm và hướng tới hình thành vùng sản xuất. Đáng chú, khu vực ven biển từ Cà Mau tới Kiên Giang đã nuôi thành công vịt biển, tới đây sẽ phát triển vật nuôi này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Bộ đang định hướng ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững gắn với chuỗi liên kết chia sẻ lợi nhuận giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và đơn vị giết mổ tiêu thụ. Đặc biệt, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cũng là vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, khuyến khích năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu đề án nâng cao năng lực của các doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo cung ứng sản phẩm thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi có sự chuyển biến đáng kể trong tái cơ cấu sản phẩm. Trước hết là ngành hàng thịt lợn, đã có nhiều doanh nghiệp lớn như Massan, Dabaco, CP... đang tiến hành thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn.
Các doanh nghiệp này đang tái cơ cấu theo chuỗi, xây dựng vùng an toàn dịch, gắn với hệ thống giết mổ hiện đại phục vụ trong nước và xuất khẩu.
"Hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều tập trung giảm giá thành sản phẩm, tiến tới xuất khẩu. Mọi năm chúng tôi kêu gọi nhiều, nhưng có doanh nghiệp làm có doanh nghiệp không, nhưng năm nay các doanh nghiệp đều làm hết" - ông Vân chia sẻ.
Cục Chăn nuôi cũng đang rà soát, đánh giá lại tình hình xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek, đồng thời phối hợp với 6 doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô chăn nuôi, phấn đấu tiến tới xuất khẩu 1.000 tấn sang thị trường khó tính này.
"Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, sau đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp "hụt hơi", nhất là doanh nghiệp nội địa. Nguyên nhân là do đầu tư lớn nên không bỏ được, giờ chờ giá lên" - ông Vân nói.
Bên cạnh đó, vừa qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành chăn nuôi.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, khi CPTPP có hiệu lực, vấn đề thuế suất 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như: Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước. Do vậy, nếu không nhanh cải tiến và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi. Bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển.
Trong khi đó, các sản phẩm của nước ngoài rất đa dạng và phong phú, do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước; thay đổi cách tiêu dùng truyền thống sang công nghiệp. Nhưng nó cũng có mặt tích cực, các sản phẩm đặc sản của Việt Nam như: lợn Móng Cái, gà Ri, gà H'mong... có thể xuất khẩu sang các nước trong cùng khối.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi kể cả về giống và gen, với số tiền lên tới vài nghìn tỷ đồng để xây dựng trung tâm nghiên cứu về gen tại Khu công nghiệp công nghệ cao Láng Hòa Lạc" - ông Vân cho hay.
Đánh giá về thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, so với thời điểm cuối năm 2017 thì cơ bản số lượng đàn gia súc, gia cầm không có biến động lớn.
Cuối năm 2017, tổng đàn lợn của cả nước có khoảng 27,4 triệu con, đến sau Tết giảm khoảng 5 - 6 triệu con. "Hiện các trang trại đang vào đàn nhanh, tái đàn tốt nhằm phục vụ các lễ hội. Bên cạnh đó, giá lợn giống cũng đang ở mức cao ở hầu hết các khu vực trong cả nước, từ 700.000 - 750.000 đồng. Nguyên nhân giá lợn giống ở mức cao là do nhu cầu tái đàn cao" - ông Vân thông tin.
Nhìn chung, trong quý I năm 2018, tổng đàn lợn của cả nước ổn định khoảng 27 triệu con. Tại một số địa phương, có một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã ngừng hoạt động, do chỉ giảm số hộ nhỏ nên không ảnh hưởng đến tổng đàn; trong khi đó các trang trại vẫn phát triển.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, đối với gia cầm, thời điểm trước và sau tết giá vẫn ổn định ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Cụ thể, giá gà ta hiện đang ở mức 140.000 - 145.000 đồng/kg (trong tết giá 110.000 - 125.000 đồng/kg); gà lông màu từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Khác với mọi năm, sản lượng và số lượng gia cầm năm nay vẫn ổn định không có biến động nhiều.
Hiện các trang trại chăn nuôi đang tái đàn nhanh để phục vụ mùa lễ hội. Nhìn lại 3 tháng đầu năm 2018, giá thịt lợn và thịt gà lông màu đều có xu hướng giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Ngoài ra, đàn bò sữa hiện vẫn đang phát triển ổn định, đặc biệt nhiều doanh nghiệp lớn đang có xu hướng nâng cao số lượng đầu con, phấn đấu đạt 300.000 con trong năm nay.
Trong khi dó, đàn bò thịt có xu hướng tăng nhẹ khoảng 5,4 triệu con. Hiện, một số đơn vị đang cho sinh sản và nhập khẩu thêm; đặc biệt bò sống nhập từ Australia tăng mạnh, khoảng 30%./.
Theo TTXVN