Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi lợn trong trang trại cao tầng ở Trung Quốc đưa chăn nuôi công nghiệp lên mức độ mới
17 | 05 | 2018
Tại Yaji Mountain thuộc miền nam Trung Quốc, những người chăn nuôi lợn đang nuôi hàng ngàn con lợn ở mỗi tàng trong một khu trang trại cao tầng mà họ gọi là “những khách sạn cho lợn”.

Công ty nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân Guangxi Yangxiang Co Ltd đang vận hành hai trang trại lợn nái cao tới 7 tầng và đang xây dựng thêm 4 trang trại tương tự, bao gồm một trang trại lên tới 12 tầng, trở thành trang trại chăn nuôi cao tầng nhất thế giới.

Các trang trại chăn nuôi 2 – 3 tầng từng được thử nghiệm tại châu Âu. Một số vẫn đang hoạt động, số khác đã bị bỏ hoang, nhưng rất ít trang trại mới được xây dựng trong những năm gần đây do sự khó khăn về quản lý và sự phản đối của công chúng đối với các trang trại chăn nuôi thâm canh.

Hiện do Trung Quốc đang thúc đẩy công nghệp hóa ngành chăn nuôi lợn vốn đã lớn nhất thế giới – một phần trong kế hoạch 30 năm nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp và tạo ra sự thịnh vượng tại các khu vực nông thôn, các công ty đang thử nghiệm mô hình xây trang trại chăn nuôi cao tầng bất chấp vấn đề chi phí. Các “khách sạn” này cho thấy mức độ sẵn sàng đại cải tổ mô hình nông nghiệp tại Trung Quốc. “Xây các trang trại chăn nuôi cao tầng có những điểm mạnh lớn”, theo Xu Jiajing, quản lý một trang trại chăn nuôi cao tầng tại Yangxiang cho hay. “Mô hình chăn nuôi này tiết kiệm năng lượng và nguồn lực, đồng thời đòi hỏi diện tích đất ít hơn để chăn nuôi quy mô lớn.

Các công ty như Yangxiang đang tăng đầu tư vào các trang trại cao tầng này vốn có chi phí cao hơn các trang trại một tầng hiện đại khoảng 30% – ngay cả khi giá lợn sống tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm. Đối với một số công ty, khoản đầu tư này quá rủi ro. Bên cạnh vấn đề giá thấp đang khiến nhiều trang trại quy mô nhỏ hơn phải tăng giết mổ hoặc tính lại các kế hoạch mở rộng sản xuất, có những lo ngại về dịch bệnh dễ lây lan ở các trang trại chăn nuôi thâm canh này.

Nhưng thành công của các trang trại chăn nuôi cao tầng tại Trung Quốc có thể mang lại một số hàm ý cho hoạt động chăn nuôi tại khu vực châu Á đông dân nhưng khan hiếm đất đai này, cũng như cho các nhà cung cấp trang thiết bị. “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các trang trại chăn nuôi 2 – 3 tầng”, theo ông Peter van Issum, tổng giám đốc Microàn, một nhà cung cấp hệ thống thông gió thiết kế cho Yangxiang phát biểu. Microfan cũng cung cấp hệ thống chăn nuôi 3 tầng cho Daedeok JongDon GGP Farm, tại Hàn Quốc. “Các trang trại chăn nuôi nhiều tầng hơn vẫn là một ngoại lệ nhưng tương lai có thể thay đổi nhanh chóng”.

Chăn nuôi lợn ở nhà cao tầng

Vùng núi Yaji không có vẻ gì là một nơi phù hợp cho chăn nuôi quy mô lớn. Đường lên nhỏ hẹp, cách xa các làng mạc, các tòa nhà chăn nuôi lợn cao tầng bằng bê tong nhìn ra một thung lũng với rừng cây dày đặc mà Yangxiang có kế hoạch phát triển thành một địa điểm du lịch.

Tuy nhiên, địa điểm này tương đối gần Guigang, một thành phố có cảng đường sông và hệ thống giao thông đường thủy kết nối đến vùng châu thổ sông Châu Giang, một trong những khu vực đông dân nhất trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh đang khuyến khích tăng cường chăn nuôi tại khu vực sản xuất ngũ cốc lớn của nước này tại đông bắc Trung Quốc, nhiều người lo ngại rằng các trang trại này sẽ khó lòng cung cấp được các sản phẩm thịt tươi an toàn đến các thành phố lớn cách xa hàng ngàn cây số. Điều này đang giúp thúc đẩy đầu tư chăn nuôi lợn tại các tỉnh miền Nam như Quảng Tây và Phúc Kiến, nơi các vùng đất đồi núi nhưng lại gần hơn với nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Yangxiang sẽ nuôi 30.000 con lợn nái trên khu đất diện tích 11ha đến cuối năm 2018, sản xuất khoảng 840.000 con lợn thịt hàng năm, đưa công ty này trở thành trang trại chăn nuôi thâm canh nhất và lớn nhất thế giới. Một trang trại chăn nuôi lớn điển hình hơn tại phía Bắc Trung Quốc sẽ có quy mô 8.000 con lợn nái trên diện tích 13ha.

Tại tỉnh Phúc Kiến, Shenzhen Jinxinnong Technology Co Ltd cũng có kế hoạch đầu tư 150 triệu NDT (24 triệu USD) vào hai trang trại chăn nuôi lợn nái cao 5 tầng tại Nanping. Hai công ty khác cũng đang xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn cao tầng tại Phúc Kiến, theo một công ty cung cấp thiết bị cho các dự án này cho hay.

Tập đoàn chăn nuôi đến bán lẻ lớn của Thái là CP Foods cũng đang xây dựng 4 trang trại chăn nuôi lợn cao 6 tầng, hợp tác với Zhejiang Huatong Meat Products Co tại Yiwu, một thành phố gần khu vực đông dân cư quanh Thượng Hải.

Các tổ hợp công nghệ cao

Yangxiang đã chi 16.000 NDT/lợn nái cho các trang trại mới này, tức tổng cộng khoảng 500 triệu NDT, không bao gồm chi phí chăn nuôi. Xây dựng các trang trại chăn nuôi cao tầng đồng nghĩa với chi phí cao hơn và mức độ phức tạp cũng lớn hơn, như công đoạn xây dựng và vận hành đường ống vận chuyển thức ăn vào các tầng, theo Xue Shiwei, phó giám đốc phụ trách hoạt động tại Pipestone Livestock Technology Consultancy, công ty con tại Trung Quốc của một công ty quản lý nông nghiệp Mỹ. “Các trang trại này tiết kiệm đất nhưng làm tăng tính phức tạp của cấu trúc và chi phí bê tông hay sắt thép đều cao hơn”.

Các lo ngại về thú y cũng làm tăng chi phí, do rủi ro dịch bệnh lây lan mạnh – một vấn đề rất lớn trong ngành chăn nuôi Trung Quốc – khi mật độ con trên mỗi tầng tăng lên.

Ngay cả những trang trại chăn nuôi 2 tầng tại châu Âu cũng làm dấy lên lo ngại rằng lợn sẽ ít được chăm sóc hơn, theo bà Irene Camerlink, chuyên gia phúc lợi động vật tại đại học Veterinary Medicine tại Vieanna hiện đang hợp tác với các trang trại chăn nuôi lợn Trung Quốc. Bất cứ sự bùng phát dịch bệnh nào cũng sẽ dẫn đến những đợt giết mổ trên diện rộng, bà cho hay.

Nhà quản lý nông nghiệp Xu cho biết Yangxiang giảm rủi ro dịch bệnh bằng cách quản lý mỗi tầng riêng biệt nhau, với nhân viên làm việc cố định ở mỗi tầng mỗi ngày. Các lợn nái mới sẽ được đưa lên tầng cao nhất và sau đó được vận chuyển thang máy tới tầng được quy định, nơi chúng sẽ được chăm sóc thường xuyên.

Hệ thống thông gió được thiết kế để ngăn không khí lưu thông giữa các tầng hoặc sang các tòa nhà khác. Không khí đi vào thông qua các hệ thống nền và chạy qua các ống thông gió ở mỗi sàn. Các đường ống này được kết nối với hệ thống xả khí trung tâm ở tầng thượng, với các quạt thổi rất mạnh đẩy khí xuyên qua các bộ lọc và đẩy thẳng lên cao tới 15m.

Nhà máy xử lý chất thải hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng tại Yaji Mountain để xử lý chất thải của các trang trại chăn nuôi cao tầng này. Sau khi xử lý, chất thải lỏng sẽ được phun vào các cánh rừng xung quanh và chất thải rắn sẽ được bán cho các trang trại nông nghiệp xung quanh làm phân bón hữu cơ.

Trang thiết bị bổ sung của dự án – phần lớn được nhập khẩu – để giảm dịch bệnh, tác động môi trường và chi phí lao động, làm tăng mạnh chi phí đầu tư của Yangxiang. Nhưng sau khi kiểm định các mô hình khác, Yangxiang kết luận rằng trang trại chăn nuôi cao tầng là lựa chọn tốt nhất và các lựa chọn khác kém thuyết phục hơn. “Chúng tôi cần thời gian để kiểm nghiệm liệu mô hình này có hoạt động hay không”, theo Xue của doanh nghiệp quản lý nông nghiệp phát biểu, cho biết thêm ông không khuyến khích khách hàng lựa chọn mô hình này. “Hiện có nhiều ý tưởng mới cạnh tranh lẫn nhau về cách nuôi lợn tại Trung Quốc”, ông Xue phát biểu, bao gồm chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng. Cuối cùng, “một mô hình phù hợp sẽ tồn tại”.

Theo Reuters (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường