Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất cá tra tại Việt Nam lại tăng nóng đáng ngại
24 | 05 | 2018
Các nhà chức trách và các tác nhân trong ngành cá tra bày tỏ lo ngại khi nhiều nông dân tại ĐBSCL đang ráo riết mở rộng diện tích nuôi cá tra mới với hy vọng tận dụng được giai đoạn giá cá tra cao ở mức gần như kỷ lục và tăng liên tục từ năm 2017 tới nay. Bộ NNPTNT (MARD) gần đây đã gửi công văn tới các nhà chức trách địa phương và các thành phố tại ĐBSCL, yêu cầu có động thái giải quyết tình trạng “mở rộng quá mức diện tích nuôi cá tra”.

Do giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu đều tăng mạnh từ đầu năm 2017, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã chuyển một số khu vực trồng lúa sang nuôi cá, bất chấp việc thiếu kinh nghiệm trong nuôi cá tra. Sự mở rộng không có kế hoạch cụ thể, sử dụng cá tra giống chất lượng thấp và thiếu kỹ năng nuôi cá có thể sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh và mất cân đối cung – cầu, Bộ NNPNNT nhận định.

Nhu cầu tăng và nguồn cá tra nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu đã dẫn đến giá cá tra nguyên liệu trung bình tại Việt Nam tháng 4/2018 tăng lên 30.000 VNĐ/kg, tương đương 1,32 USDkg, tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Mở rộng nóng diện tích nuôi cá tra cũng đẩy nhu cầu cá tra giống tăng mạnh, đẩy giá cá tra giống trung bình tăng lên 80.000 VNĐ/kg, tương đương 3,51 USD/kg trong tháng 4/2018, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2017, Bộ NNPTNT cho biết trong một văn bản riêng rẽ.

Sự mở rộng mạnh nhất diễn ra tại tỉnh Long An với diện tích nuôi cá tra tăng thêm 800ha từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2018, phần lớn các hồ nuôi mới chuyển từ đất lúa, theo các phương tiện thông tin địa phương đưa tin.

Lợi nhuận nuôi cá tra hiện cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa tại ĐBSCL, khu vực trồng lúa quan trọng nhất của Việt Nam, đẩy hoạt động nuôi cá tra tăng nóng. Những nông dân mới tham gia nuôi cá khác với những cơ sở sản xuất quy mô lớn đã hoạt động lâu năm trong ngành sản xuất kinh doanh này và có quy trình nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm quốc tế, Bộ NNPTNT nhận định. Phần lớn các sản phẩm cá tra chất lượng cao xuất khẩu của Việt Nam đến từ các nhà cung cấp này.

Tháng 5/2017, chính phủ Việt Nam đã ban hành văn bản quy định yêu cầu tất cả các hồ nuôi cá tra phải tuân thủ quy hoạch của chính quyền địa phương. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản lấy chứng nhận về xác định số đăng ký cho các hồ nuôi cá tra.

Để đảm bảo phát triển bền vững ngành cá tra trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các tỉnh và thành phố được yêu cầu giám sát nghiêm ngặt việc mở rộng diện tích nuôi cá tra tại địa phương và phạt nặng những ai phạm luật, theo công văn của Bộ NNPTNT. Các nhà phân tích ngành lo ngại tình trạng dư cung từng xảy ra vào năm 2011 sẽ tái diễn nếu mở rộng nhanh ngoài quy hoạch các diện tích nuôi cá tra giống và cá tra nguyên liệu tiếp tục diễn ra.

Giá cá tra giống dự báo sẽ bắt đầu giảm từ tháng 5 – 6/2018, trong khi giá cá tra nguyên liệu có thể giảm vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản. Ông Ong Hàng Văn, Phó TGĐ CTCP Thủy sản Trường Giang, đồng ý với nhận định trên. Ông cảnh báo rằng dư cung cá tra nguyên liệu có thể diễn ra vào tháng 11 – 12/2018 và giá cá tra nguyên liệu giảm là điều không thể tránh khỏi.

Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam trong thời gian gần đây và thị trường lớn này sẵn sàng mua “lượng rất lớn” cá tra từ Việt Nam, ông Văn cho hay. Nhưng ông cũng cho biết thêm những ai không có chứng nhận mã số đăng ký hồ nuôi và các chứng nhận cần thiết khác sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Họ có thể bị buộc phải bán với giá thấp trong tương lai.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết một số thương nhân lẻ từ Trung Quốc đã thâm nhập vào Việt Nam để thu mua cá tra giá rẻ, chất lượng thấp và xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua buôn lậu qua biên giới.

Tháng 3/2018, VASEP đã gửi thư tới Bộ NNPTNT, đề nghị cơ quan này thắt chặt kiểm soát xuất khẩu cá tra qua kênh thương mại biên mậu với Trung Quốc. Một lượng hàng hóa giao thương xuyên biên giới giữa hai nước láng giềng là không thể tránh khỏi, VASEP nhận định, nhưng chủng loại và lượng xuất khẩu cá tra xuyên biên giới từ Việt Nam sang Trung Quốc đã chạm mức làm dấy lên lo ngại. Chất lượng các lô hàng xuất khẩu xuyên biên giới bởi các thương nhân lẻ rõ ràng khiến VASEP có lý do để lo lắng do giá cá tra xuất khẩu theo kênh này rất thấp so với giá cá tra xuất khẩu theo đường biển của các công ty lớn.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường