Tuy nhiên, hai nhà nhập khẩu tôm tại Trung Quốc lại cho rằng những người mua Trung Quốc sẽ không nằm trong nhóm đặt những đơn hàng lớn như ông Gulkin nhận định, ít nhất là trong ngắn hạn. Một nhà nhập khẩu cho biết các đơn hàng sẽ không tăng mạnh cho tới tháng 9 tới. “Tôi cho rằng nhu cầu thị trường không thay đổi đáng kể trong thời điểm hiện tại”, một nguồn tin cho hay hồi tuần trước. “Năm 2017, tồn kho tại Trung Quốc quá cao và hiện giá đang giảm, các thương nhân ngừng mua vào và lựa chọn phương án tăng cường bán hàng, giảm tồn kho. “Trong vài tháng tới, nguồn tôm tươi tại Trung Quốc sẽ xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, thời điểm sớm nhất xuất hiện các đơn đặt hàng nhập khẩu tôm lớn sẽ vào khoảng tháng 9”.
Một nhà quản lý tai một doanh nghiệp tôm lớn của Trung Quốc cũng nhận định tương tự: “Tôi không kỳ vọng các đơn hàng nhập khẩu tôm lớn của Trung Quốc trong ngắn hạn. Sẽ cần thời gian để tiêu dùng tăng đủ mạnh”.
Về chuyến thăm gần đây của một nhà quản lý từ công ty tôm Ecuador là Songa tới thúc đẩy kinh doanh tại Trung Quốc, các nguồn tin cho hay chuyến đi này không mang lại kết quả như mong muốn. “Lãnh đạo của Songa tới Trung Quốc tháng trước khi Triển lãm thủy sản Brussels diễn ra. Từ những gì tôi biết, ông này không ký kết được nhiều đơn hàng lớn”. Songa không phản hồi trước các đề nghị bình luận của Undercurrent News.
Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới. Trung Quốc nhập khẩu mọi loại tôm, từ tôm đỏ Argentina tới tôm thẻ Ecuador và Ấn Độ, góp phần lớn làm tăng nhu cầu tôm toàn cầu. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 63.453 tấn tôm, tăng 4% so với năm 2016, theo ITC, cùng với 46.774 tấn tôm nước lạnh, tăng 25% trong cùng kỳ so sánh.
Ước tính có thêm 300.000 tấn tôm được nhập khẩu thông qua Việt Nam qua đường tiểu ngạch, theo ước tính của Undercurrent News dựa trên dữ liệu thương mại với Việt Nam. Từ tháng 1/2018, việc nhập khẩu tôm tiểu ngạch này đã “hoàn toàn chấm dứt”, theo một nhà xuất khẩu Việt Nam cho Undercurrent News tại hội chợ Brussels, sau các đợt triệt phá buôn lậu do các nhà chức trách Trung Quốc triển khai gắt gao.
Sản xuất tôm nội địa Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch nên nguồn cung tôm tươi tại nước này sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, dịch bệnh – vấn đề ám ảnh ngành tôm Trung Quốc vài năm qua, đặc biệt tại miền Nam – có vẻ sẽ tiếp tục gây ra nhiều vấn đề về sản xuất. Theo Shuichan, một ấn phẩm ngành thủy sản Trung Quốc, tỷ lệ tôm sống thấp tới mức chỉ còn 10% tại một số khu vực, theo báo cáo hồi tuần trước cho hay. “Năm 2018, tỷ lệ sống của tôm trong giai đoạn đầu thả nuôi dưới 10% và thiệt hại đối với nông dân là rất lớn. Gần đây, mưa lớn diễn ra tại nhiều khu vực của Trung Quốc và thời tiết không ổn định, tác động tới hoạt động sản xuất tôm thẻ”.
Một nhà chế biến Trung Quốc chuyên nhập nguồn tôm nuôi tại Trạm Giang, Quảng Đông xác nhận tình trạng dịch bệnh thật sự là vấn đề lớn. “Nông dân vẫn chưa giải quyết được vấn đề dịch bệnh”, ông cho biết. Tại Khâm Châu, Quảng Tây, các nguồn tin địa phương cho biết các đợt bùng phát dịch bệnh đốm trắng và dịch tôm chết sớm là nguyên nhân chính gây thiệt hại tới 70-80% lượng tôm thả nuôi hồi tháng 4.
Theo dữ liệu giá của Undercurrent News, giá tôm thẻ nuôi trung bình tuần thứ 10, loại 80 con/kg tại tỉnh Quảng Đông – khu vực nuôi tôm lớn nhất của Trung Quốc, là 58,6 NDT/kg, tương đương 9,19 USD/kg, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Giá tôm cổng trại loại 60 con/kg đạt 64,6 NDT/kg, giảm 20% trong cùng kỳ so sánh. Giá tôm cổng trại loại 120 con/kg đạt 45,3 NDT/kg, giảm 16% trong cùng kỳ so sánh. Mặc dù các mức giá này vẫn cao so với giá trên thị trường thế giới, giá tôm tươi luôn có mức chênh cao hơn trên thị trường Trung Quốc. Giá tôm có thể tiếp tục giảm từ nay tới khoảng tháng 8 -9, khi nguồn cung tôm nội địa Trung Quốc đạt đỉnh theo chu kỳ.
Nhà chế biến tôm tại Trạm Giang, Quảng Đông cho rằng giá tôm mùa hè sẽ nhận được hỗ trợ tích cực. Trong khi các nhà nhập khẩu không lạc quan như vậy về giá tôm nguyên liệu trong thời gian tới.
Theo Undercurrent News (gappingworld.com)