Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển cho nông sản Việt do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức ngày 5/6, nhiều diễn giả nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Theo đó, mặc dù hàng nông sản Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, không có thương hiệu thương mại. Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu.
|
Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển cho nông sản Việt. |
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin và kết nối với người nông dân chặt chẽ hơn để hướng cho người nông dân biết nên trồng thứ gì, nuôi vật gì thay vì vẫn để bà con sản xuất tự phát như hiện nay.
Bên cạnh đó, yếu tố liên kết cũng được coi là điểm mấu chốt để thay đổi thực trạng hiện nay của ngành nông nghiệp. Bởi thực tế nhiều năm nay, người nông dân vẫn thường bị động, hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều khiển của thương lái, hoàn toàn không có kế hoạch cũng như quy hoạch canh tác sản phẩm nông sản hàng hóa.
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), thị trường Trung Quốc ngay sát Việt Nam vừa là thách thức vừa là cơ hội, ít nơi có thị trường liền kề và ngày càng mở rộng như Trung Quốc. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm hàng đầu trong xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.
“Thời gian tới, một mặt phải đa dang hóa thị trường xuất khẩu, mặt khác phải khai thác tối đa thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cần phải làm kiểu khác, không qua thương lái trung gian, không phải xuất khẩu tiểu ngạch mà phải chính ngạch, hướng đến chuỗi giá trị”, ông Sơn nói.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cho hay, nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt, đồng thời cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới và được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá rẻ… song chè Việt chủ yếu xuất thô, không có thương hiệu nên lợi nhuân thấp.
“Nếu không xây dựng được sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Ngoài tập trung nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần đầu tư kỹ thuật để thiết kế, chế biến, đóng gói sản phẩm cho phù hợp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận trong quá trình xuất khẩu…”, ông Hải nói.
Nêu giải pháp cho sự phát triển của thương mại nông sản hàng hóa, tạo bước chuyển biến trong nông nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong đầu tư các lĩnh vực nói chung, nông nghiệp nói riêng, doanh nghiệp cần vốn, đất, nhưng cần nhất vẫn là cơ chế, là những điều mà Chính phủ, Nhà nước cho phép, khuyến khích làm… Đây là vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện trong thời gian tới./.
Theo VOV