Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FDI vào nông nghiệp bao giờ hết “còi cọc”?
24 | 05 | 2018
Hợp tác đầu tư vào nông nghiệp đang trở thành xu hướng, tuy nhiên, dòng vốn FDI vào lĩnh vực này vẫn “còi cọc”.

Cách đây không lâu, trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nga, ông Robert Kurilo - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại TP Hồ Chí Minh xác nhận: “Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, nông nghiệp sẽ trở thành một trong những xu hướng hợp tác đầu tư mới giữa doanh nghiệp hai bên”.

Trong dự thảo lần 2 Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI và nông nghiệp chính là một trong những giải pháp được xem là trọng tâm. (Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trồng rau xà lách tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: T.L)

Chưa vượt quá 2% tổng thu hút FDI

Bên cạnh nhà đầu tư Nga, các dòng vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan... đầu tư vào Việt Nam cũng có mong muốn tương tự. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài muốn hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng nông nghiệp nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan, chủ động đặt hàng các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu quay lại thị trường của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những dự án đã, đang và sẽ triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp so với các lĩnh vực khác hoặc so với tổng dòng vốn đầu tư FDI của Việt Nam vẫn còn rất “còi cọc”.

Nếu lãnh đạo địa phương có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sẽ dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn.”

Cụ thể, tỷ trọng đầu tư của dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1,6% vốn đăng ký, trong đó số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất nhỏ.

Đây cũng chính là một trong những điều “chưa được” của hoạt động thu hút FDI được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, trong đó có yêu cầu đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài, mới đây.

Thực tế, những năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa khi nào vượt quá 2% trên tổng vốn đầu tư FDI. Cụ thể, tính đến tháng 4/2018, có 499 dự án đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3,4 tỷ USD, xếp vị trí 10 trên tổng số ngành thu hút đầu tư FDI nhiều nhất. Trong khi đó, số dự án hoạt động kinh doanh bất động sản là 673 dự án, tuy nhiên số vốn đăng ký lên tới 51,3 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần so sánh con số một cách đơn giản đã có thể thấy mức chênh lệch giữa giá trị các dự án và tổng giá trị đầu tư vào nông nghiệp chỉ bằng 6,6% của hoạt động kinh doanh bất động sản và bằng 1,6% tổng vốn thu hút FDI của toàn ngành.

Làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới

Theo lý giải của Cục đầu tư nước ngoài, thu hút FDI vào nông nghiệp chỉ ở những dự án nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có “đại gia” ngoại nào nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc bỏ vốn trồng rau quả quy mô lớn tại Việt Nam theo hình thức đầu tư công nghệ cao, hữu cơ.

Đề xuất một trong những phương án có thể giúp doanh nghiệp FDI dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đề nghị, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm và có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sẽ dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn.

Trong dự thảo lần 2 Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp chính là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư sử dụng công nghệ cao, kỹ năng và tối đa hoá giá trị gia tăng nhằm “lấp đầy” chỗ trống trong chuỗi cung ứng, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành và làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới.

Theo enternews.vn



Báo cáo phân tích thị trường