Giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 6/2018 giảm còn 242 USD/tấn, giá tinh bột sắn xuất khẩu được chào giá ở mức 520 USD/kg, tương đương với giá tinh bột sắn của Thái Lan sau khi nước này hạ giá chào bán 20 USD trong tháng 6.
Giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm do nhu cầu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp do tháng 6 là mùa nắng nóng cao điểm, nhu cầu tiêu thụ cồn ở mức thấp. Các nhà máy cồn tại Trung Quốc cũng tính đến sử dụng các loại nguyên liệu thay thế như ngô, lúa miến có giá thành thấp hơn. Giá sắn thu mua tại các nhà máy tinh bột tại Tây Ninh cũng giảm 300 đồng/kg và dao động quanh mức 3.100 – 3.200 đồng/kg. Các nhà máy tại khu vực Tây Nguyên đã dừng hoạt động do niên vụ sắn đã kết thúc. Nguồn cung sắn từ Campuchia đã gần hết và chất lượng sắn bị ảnh hưởng bởi virut bệnh khảm lá. Thái Lan cũng đang xem xét việc cấm nhập khẩu sắn từ Campuchia trong thời gian tới do lo ngại lây lan virut khảm lá. Hiện nay, đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tiêu hủy nguồn bệnh và phun thuốc đồng loạt trước khi vụ 2018-2019 bắt đầu sản xuất.
Sang tháng 7/2018, thị trường sắn lát dự báo sẽ sôi động trở lại khi các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc tăng công suất hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay còn một lượng ngô tồn kho lớn do ngành chăn nuôi gặp khó khăn, lượng ngô tồn kho này đang được Trung Quốc nỗ lực giảm bớt thông qua sử dụng cho ngành sản xuất ethanol; do đó, dự kiến giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc khó tăng giá trong nửa cuối năm 2018.
Trong thời gian tới, thị trường sắn lát dự báo sẽ sôi động trở lại khi các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc tăng công suất hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc khó tăng cao vì nước này hiện còn một lượng ngô tồn kho lớn (do ngành chăn nuôi gặp khó khăn), nên có thể được sử dụng thay thế cho sắn trong sản xuất ethanol. Người sản xuất ở Việt Nam cần lưu ý triển khai các biện pháp để duy trì năng suất và sản lượng hợp lý để nắm bắt tốt nhu cầu từ các thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: IPSARD - MARD