Về thị trường xuất khẩu, các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 6/2018 ước đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 754 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2017. Nguồn nhập khẩu chính vẫn là Thái Lan (45,7% lượng nhập khẩu) và Trung Quốc (9,1%). Hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ của nhiều loại quả nhiệt đới, với nguồn cung thuận lợi, giá thu mua một vài loại trái cây có biểu hiện suy giảm. Riêng đối với mặt hàng dứa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trồng dứa trọng điểm tích cực phối hợp với Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, phối hợp các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến trên địa bàn hỗ trợ cho bà con nông dân.
Với mặt hàng vải thiều niên vụ 2018 là năm được mùa, giữ giá tương đối ổn định. Tháng 6 là tháng cao điểm thu hoạch vải, tập trung tại Bắc Giang, Hải Dương. Đến ngày 21/6/2018, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang - địa phương sản lượng cao nhất cả nước - đã tiêu thụ ước đạt 144.168 tấn (chiếm khoảng 80% sản lượng vải của tỉnh), doanh thu khoảng 3.976 tỷ đồng. Trong đó xuất sang Trung Quốc khoảng 45.750 tấn, doanh thu 80,3 triệu USD. Giá vải trung bình tại Lục Ngạn (cập nhật ngày 19/6/2018) là 20.000 - 24.000đ/kg, tăng so với mức giá 15.000đ/kg trong 10 ngày trước. Giá vải Hải Dương ổn định ở mức 10.000 - 15.000đ/kg. Giá vải thiều tại chợ đầu mối Thủ Đức khoảng 20.000đ/kg (vận chuyển xe lạnh), 25.000 - 30.000đ/kg (vận chuyển máy bay). Trong bối cảnh sản lượng trái vải tại Trung Quốc năm nay ước tính tăng 48,2% so với năm 2017, đạt 2,88 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi tại Quảng Tây và Quảng Đông (địa bàn chiếm chiếm 80% tổng sản lượng vải của Trung Quốc), qua đánh giá tại thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam vẫn được bán với giá tương đương vải Trung Quốc (loại 1: 18NDT/kg (70.000đ), loại 2: 9NDT/kg (35.000đ/kg).
Có được kết quả tích cực trên là do sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động toàn ngành và các địa phương, doanh nghiệp. Ngay từ đầu tháng 4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với ngành Công thương, các địa phương trọng điểm trồng vải triển khai bài bản công tác chăm sóc, thu hoạch, chế biến và kịch bản tiêu thụ vải. Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ liên tục có những đoàn khảo sát đánh giá, cập nhật tình hình các địa phương, phối hợp chặt chẽ trong khâu tuyên truyền, giúp cho việc tiêu thụ vải của toàn niên vụ 2018 có sự chuyển dịch đạt kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, rau quả xuất khẩu Việt Nam dự kiến phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống. Để đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt tiếp tục chú trọng phát triển, ứng dụng các quy trình công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch và đẩy mạnh chế biến sâu để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường bậc cao như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cần lưu ý:
Mặc dù xuất mặt hàng rau quả trong 6 tháng đầu năm có vẻ chững lại hơn so với năm ngoài, nhưng nguồn cung trong nước có những kết quả phát triển khá tốt. Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đã mang lại những kết quả tích cực, giữ được mục tiêu “được mùa, được giá”. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành rau và trái cây cần tiếp tục rà soát quy hoạch để ổn định nguồn cung, tăng cường chuỗi liên kết, thu hút sự tham gia tích cực hơn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào khâu bảo quản, chế biến, công tác khuyến nông tập trung nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để tiếp cận các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nguồn: IPSARD - MARD