Xuất khẩu cà phê tháng 7/2018 ước đạt 115 nghìn tấn với giá trị đạt 216 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,16 triệu tấn và 2,22 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,4% và 10,2%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là: Indonesia (gấp 8,9 lần), Nga (63,4%) và Philippin (61,1%). Xuất khẩu cà phê sang Indonesia tăng mạnh là do vụ thu hoạch chính của nước này vào thời điểm cuối năm, do đó, để đủ lượng cà phê giao dịch, Indonesia phải tăng mua từ một số thị trường có lượng cà phê dự trữ lớn như Việt Nam. Ngoài ra, Indonesia nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá và chất lượng tốt để chế biến cà phê hòa tan, tiêu thụ nội địa, hoặc tái xuất.
Trong tháng 7/2018, thị trường cà phê trong nước biến động giảm nhẹ theo xu hướng thị trường thế giới. So với tháng trước, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 – 300 đ/kg xuống còn 34.700 – 35.400 đ/kg.
Giá cà phê giảm do dự báo sản xuất cà phê tại các quốc gia xuất khẩu lớn thuận lợi (triển vọng vụ mùa mới năm nay của Brazil sẽ hơn 60 triệu bao, đạt kỷ lục chưa từng có và của Việt Nam sẽ hơn 29,9 triệu bao, đạt mức cao nhiều năm gần đây) khiến cung cà phê toàn cầu sẽ dư nhẹ so với tiêu thụ toàn cầu. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/19 sẽ đạt 171,2 triệu bao (bao 60 kg) trong khi tiêu thụ toàn cầu cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao. Dự báo, thời gian tới, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trong việc dự trữ tránh tình trạng giá giảm trở lại khi vào vụ thu hoạch trong quý 4 của Việt Nam.
Lưu ý:
Thời gian tới, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trọng việc dự trữ tránh tình trạng giá giảm trở lại khi vào vụ thu hoạch trong quý 4 của Việt Nam.
Theo IPSARD - MARD