Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhật Bản, Indonesia lọt top 5 thị trường bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới
15 | 06 | 2018
Với thị trường bán lẻ tiêu thụ lần lượt 304.000 tấn và 268.000 tấn, Nhật Bản và Indonesia đã lọt vào top 5 thị trường bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ (ước tính 607.000 tấn), Brazil (425.000 tấn) và Đức (424.000 tấn). Nghiên cứu mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Mintel “Coffee — Global Annual Review 2018”, cho thấy châu Á là con rồng đang lên trên thị trường cà phê toàn cầu trong những năm gần đây.

Những người khổng lồ châu Á mới nổi

Hơn nữa, Mintel  cho biết các thị trường mới nổi của châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và củng cố vị thế trên thị trường cà phê toàn cầu trong tương lai, đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy Indonesia, Việt Nam và Philippines được dự báo nằm trong top 5 thị trường bán lẻ cà phê tăng trưởng nhanh nhất về lượng trong giai đoạn 2017 – 2021.

Mintel dự báo tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường bán lẻ cà phê Indonesia là 11,4%/năm; tốc độ này của Việt Nam là 9,2%/năm, và của Philippines là 6,7%/năm. Các thị trường tăng trưởng nhanh khác là Thổ Nhĩ Kỳ (6,8%/năm) và Mexico (6,1%/năm) – nước duy nhất không nằm ở châu Á hoặc Trung Đông.

“Châu Á có tiềm năng tăng trưởng rất lớn về cà phê, khi tiêu dùng cà phê liên tục tăng trên khắp châu lục”, theo ông Jonny Forsyth, giám đốc hợp tác của Mintel Food & Drink phát biểu. “Văn hóa cà phê đang nổi lên tại châu Á với ngày càng nhiều nhà cung cấp cà phê đặc sản đang mở cửa hàng tại các nước như Nhật Bản, Singapore và Indonesia. Các chuỗi cà phê thương hiệu mạnh cũng đang tăng cường nỗ lực mở rộng tại khu vực này. Ngoài ra, các thị trường mới nổi của châu Á cũng đang dẫn dắt tăng trưởng cà phê toàn cầu trong những năm vừa qua và sẽ tiếp tục vai trò này với Indonesia là thị trường dẫn đầu trong thời gian tới”.

Thị trường cà phê single-serce tại châu Á

Theo Mintel, trong phần phân tích các phân khúc thị trường, phân khúc thị trường cà phê single-serve – như viên nén, bao và các loại túi lọc – vẫn là phân khúc béo bở nhất tại các thị trường phát triển hơn như Mỹ, nhưng tốc độ tăng trưởng khá chậm. Tuy nhiên, tăng trưởng phân khúc cà phê single-serve đang mạnh tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á.

Châu Á và khu vực Trung Đông – châu Phi và Mỹ Latin chiếm 23% tổng lượng sản phẩm cà phê single-serve mới trên thị trường, so với mức 14% trong năm 2014, dựa vào thống kê trong Cơ sở dữ liệu các sản phẩm mới trên toàn cầu của Mintel (GNPD). Tại Hàn Quốc, 30% sản phẩm mới trên thị trường cà phê năm 2017 là các viên nén cà phê, tăng từ tỷ lệ 20% trong năm 2016.

Hơn nữa, trong năm 2017, 20% người uống cà phê thành thị Trung Quốc cho biết họ uống cà phê túi nhỏ giọt (drip-bag) – một sản phẩm lai giữa cà phê viên nén và hòa tan – 1 lần mỗi ngày hoặc hơn, tăng từ mức 3% trong năm 2016. “Tăng trưởng phân khúc cà phê single-serve, mặc dù sa sút trên phạm vi toàn cầu, nhưng lại có tiềm năng rất lớn tại các thị trường mới nổi, với châu Á là khu vực đặc biệt tiềm năng do thói quen uống cà phê ngày càng tăng tại các quốc gia có truyền thống tiêu dùng chè, như Ấn Độ và Trung Quốc, sự thịnh vượng lớn mạnh lên và tốc độ đô thị hóa cao”, ông Forsyth nhấn mạnh. “Các sản phẩm cà phê single-serve, như túi lọc nhỏ giọt, đang ngày càng phổ biến đối với những người uống cà phê Trung Quốc nhờ sự tương đồng với các túi chè truyền thống. Các sản phẩm này cũng được cho là tự nhiên và ít chế biến hơn cà phê hòa tan. Tình hình cho thấy phân khúc cà phê túi nhỏ giọt có tiềm năng tăng trưởng mạnh trongn ăm 2018 và những năm tới”.

Cà phê ướp lạnh uống liền và cà phê ủ lạnh

Ngoài ra, theo dữ liệu của Mintel, 19% các sản phẩm cà phê mới ra mắt trong năm 2017 là cà phê ướp lạnh uống liền, tăng từ mức 16% năm 2015 và 17% năm 2016.

Trên toàn cầu, Nhật Bản vẫn dẫn đầu về các sáng tạo cà phê uống liền, chiếm 18% số sản phẩm cà phê uống liền mới ra mắt trong năm 2016, dù giảm từ tỷ lệ 20% trong năm 2016. Mỹ theo sau Nhật Bản, với tỷ lệ 13% trong năm 2017, tăng từ tỷ lệ 10% trong năm 2016.

Trong một phân khúc nhánh có liên quan, tăng trưởng cà phê ủ lạnh lại do Mỹ dẫn đầu, với doanh thu bán lẻ nội địa ước đạt 38 triệu USD trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm 2016. “Đầu tư toàn cầu vào phân khúc cà phê ướp lanh uống liền tăng do các nhà sản xuất hướng tới mục tiêu nhóm khác hàng trẻ – những người thưởng thức hương vị, sự tươi mới và nhẹ nhàng của phân khúc cà phê này. Diễn biến này bất chấp thực tế về suy giảm tăng trưởng thị trường cà phê Nhật Bản, trước đây vốn thống trị về mức độ sáng tạo lẫn doanh thu trong phân khúc cà phê lạnh”, ông Forsyth cho hay. “Cà phê ủ lạnh đang giúp cao cấp hóa phân khúc cà phê uống liền (RTD) và đang chứng minh là một phân khúc có tính sáng tạo hơn các dạng cà phê uống nóng, khi các nhà sản xuất tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm trong phân khúc này vào năm 2017”.

Ông kết luận rằng cà phê ủ lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng tại ngày càng nhiều thị trường, bao gồm châu Á Thái Bình Dương, trong những năm tới.

Theo Food Navigator (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường