Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu
06 | 08 | 2018
Vì cây hồ tiêu chết hàng loạt do thiên tai, dịch bệnh, nhiều hộ dân trồng tiêu ở Gia Lai đã lâm cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả các khoản vay. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, các ngành chức năng cần có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Trong hai năm qua, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 620 ha cây hồ tiêu bị chết, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Chư Păh. Nguyên nhân chủ yếu là do khi hồ tiêu được giá bán, người dân ở các địa phương này đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Ở nhiều nơi, cây hồ tiêu còn được trồng cả ở những vùng không phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm cho ô nhiễm môi trường đất, cây mất khả năng đề kháng tự nhiên, dễ bị nấm bệnh tiến công gây hại, chết hàng loạt. Chưa kể việc trồng những giống tiêu trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, thậm chí mang sẵn mầm bệnh dẫn đến khả năng đề kháng, chống chịu với bệnh của cây kém, dễ lây lan, phát tán nguồn bệnh. Riêng tại huyện Chư Păh, từ năm 2016 tới nay, đã có hàng trăm héc-ta hồ tiêu chết vì dịch bệnh và hạn hán, không thể phục hồi. Trong đó, có khoảng 2.700 hộ trồng tiêu bị thiệt hại với tổng dư nợ gần 800 tỷ đồng.

Hồ tiêu là loại cây trồng có vốn đầu tư lớn, phần đông người dân phải đi vay mượn từ các tổ chức tài chính để có nguồn vốn sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Chư Păh hiện có khoảng 8.000 hộ dân vay vốn sản xuất hồ tiêu tại các ngân hàng trên địa bàn với tổng vốn vay hơn 1.500 tỷ đồng. Nhưng, đến nay đã có hơn 400 trong số 800 ha hồ tiêu bị xóa sổ, không thể phục hồi, khiến cả nghìn hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, nhiều người đã phải bán đất, bán vườn, thậm chí bán nhà để trả nợ, hoặc rời quê lên thành phố kiếm việc mưu sinh, trang trải nợ nần.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, các ngân hàng đã hỗ trợ bằng cách cơ cấu lại thời gian trả nợ và khoanh nợ, giãn nợ một cách hợp lý. Tuy nhiên, số hộ dân có hồ tiêu bị thiệt hại được hỗ trợ chưa nhiều. Trong khi đó, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu khiến cho các hộ trồng tiêu thu không đủ chi. Việc trả nợ đúng hạn các khoản vay đối với người trồng tiêu thời điểm này là hết sức khó khăn. Nợ cũ chưa trả được, nông dân không thể tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng để tái thiết vườn cây, cũng như xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng khác.

Vì vậy, các ngành chức năng cần tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ trồng tiêu, nếu tiêu mất mùa do khách quan vì dịch bệnh, khô hạn thì sớm triển khai rộng rãi các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, tạo điều kiện để người dân vay tiếp với những kênh khác, nguồn khác để đầu tư sản xuất. Về lâu dài, cần hỗ trợ người dân trong việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, cần quy hoạch lại các vùng trồng tiêu, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà phải tập trung đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đối với những diện tích bị sâu bệnh hại nặng, diện tích trên những vùng đất không phù hợp kiên quyết chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng phù hợp.



THÙY TRANG - Báo Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường