Trong tháng 8/2018, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 30 nghìn tấn với giá trị 254 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 238 nghìn tấn và với kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng đầu năm, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất với thị phần giá trị xuất khẩu lần lượt là 38,6%, 12,6% và 10,3%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường trọng điểm như Hà Lan, Trung Quốc, Anh đều giảm cả về sản lượng và giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Italia (57,1%), Đức (24,2%), Canada (17,2%), Israen (15,9%) và Hoa Kỳ (12,7%).
Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 8/2018 ước đạt 158 nghìn tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 896 nghìn tấn và giá trị đạt 1,81 tỷ USD, giảm 16% về khối lượng và giảm 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều nhân tháng 8/2018 đạt 8.466 USD/ tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, giảm 429 USD/tấn (tương đương giảm 4,8%) so với tháng 7/2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt khoảng 9.550 USD/tấn, giảm 3% so với 7 tháng năm 2017. Giá điều nguyên liệu trong nước trong tháng 8/2018 có diễn biến cùng chiều. Tại Bình Phước, giá hạt điều thô giảm hơn 6.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg. Giá điều thô tại Đồng Nai giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 47.000 đồng.
Hiện nguồn cung điều vẫn dồi dào so với nhu cầu dẫn đến giá điều chưa thể tăng trở lại. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ điều tăng mạnh tại các thị trường chính là yếu tố bù đắp cho việc giá điều giảm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tập trung vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ vững thị trường trước tình hình thị trường điều còn nhiều khó khăn do giá giảm.
Lưu ý:
Nhu cầu tiêu thụ điều tăng mạnh tại các thị trường chính là yếu tố bù đắp cho việc giá điều giảm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tập trung vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ vững thị trường trước tình hình thị trường điều còn nhiều khó khăn do giá giảm. Doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung chế biến sâu sản phẩm để tăng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo IPSARD-MARD