Giá điều nhân xuất khẩu chạm đáy hơn một năm rưỡi
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá điều nhân xuất khẩu bình quân tháng 7 đạt 8.900 USD/ tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.
Lượng và giá trị điều xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 7 cũng chững lại khi đạt 30.000 tấn hạt điều, trị giá 267 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu điều có xu hướng tụt dốc rõ rệt khi giảm tới 18,1% về lượng và giảm 29,5% về giá trị.
Nguyên nhân giá giảm vẫn là câu chuyện “xưa như trái đất” của nông sản Việt là cung vượt cầu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong khi nhu cầu các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60%.
Giá điều thô xuất khẩu giảm trong khi giá điều thô nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến lại tăng và khan hiếm hàng. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngay từ tháng 1, giá điều nhập khẩu từ châu Phi lên tới 2.340 USD/tấn, gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2017. Đến tháng 2, con số này tiếp tục tục tăng lên gần 2.490 USD/tấn.
Nguyên nhân là do công suất chế biến điều tăng mạnh trong khi diện tích và sản lượng điều trong nước liên tục giảm. Thông thường lượng điều thô mua vào từ đầu năm sẽ được các nhà máy dự trữ để duy trì sản xuất cả năm.
Nhưng năm nay, phần lớn điều thô nhập từ đầu năm đã được sử dụng hết khiến 6 tháng cuối năm có thể thiếu điều nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, do vậy các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu ồ ạt điều nguyên liệu từ châu Phi để chế biến.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch Vinacas cho hay, nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, chiếm tới 70%.
Trong khi đó, một số nước như Nigeria, Bờ biển Ngà định hướng hạn chế xuất khẩu điều thô khiến giá điều nhập khẩu bị đẩy lên cao.
Rủi ro nhập khẩu điều thô
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mua được hàng trực tiếp từ Châu Phi mà phải nhập khẩu qua trung gian, chủ yếu qua Ấn Độ nên rủi ro chất lượng lớn.
Đối với giao dịch nhập khẩu điều thô, phương thức thanh toán chủ yếu được được sử dụng là nhờ thu hoặc thư tín dụng (L/C). Ngoài ra, đa số khách hàng nhập khẩu ở các thị trường châu Phi, thị trường mà Ngân hàng Công Thương ít quan hệ với ngân hàng đại lý. Thực tiễn hoạt động thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Công Thương cho thấy việc xác nhận L/C đối với các giao dịch này thường khó khăn mất thời gian.
Bên cạnh đó, một số người bán hàng không uy tín, trong giai đoạn hạt điều đang lên giá thì lấy lý do không nhận được L/C để không giao hàng cho người mua.
Mặt khác, một số khách hàng phản ánh chất lượng hạt điều xấu, thường xuyên phải đàm phán để giám giá, đặc biết là đối với phương thức thanh toán nhờ thu.
80% doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Dương đóng cửa
Quay trở lại năm 2017, giá điều xuất khẩu đạt gần 10.000 USD/tấn, điều trong nước có lúc đạt ngưỡng kỷ lục 52.000 đồng/kg do khan hiếm hàng, hàng loạt doanh nghiệp tăng công suất. Tính đến nay, số doanh nghiệp chế biến điều khoảng 450 doanh nghiệp, gấp 3 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp nhỏ lẻ và hoạt động mùa vụ.
Những lúc thị trường bất bất lợi thì các doanh nghiệp này ngừng hoạt động; khi thị trường khả quan mới hoạt động trở lại dẫn đến tình trạng dư thừa công suất. Trong bối cảnh thị trường xấu như hiện nay, Vinacas cho biết có tới 70 - 80% doanh nghiệp chế biến tại “thủ phủ” điều Bình Dương tạm ngừng hoạt động. Còn tại Long An, chỉ còn 12 trong số 33 cơ sở hoạt động cầm chừng.
Việc mua bán điều thô, nhân điều trở nên phức tạp, khó kiểm soát được giá cả, các doanh nghiệp cạnh tranh mua nguyên liệu và bán phá giá sản phẩm. Điều này ảnh hưởng tới các đối tác nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở Mỹ, EU gặp khó khi nhập hàng đợt sau giá thấp hơn đợt trước. Hàng tồn kho đợt trước chưa đẩy ra kịp đã phải giảm cho đợt sau.
Xuất khẩu điều sang Trung Quốc gặp khó
Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ điều lớn thứ ba của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thanh việc xuất khẩu sang thị trường đang gặp khó do đồng nhân dân tệ mất giá kèm các rào cản kỹ thuật và thuế.
Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, phần lớn nông sản Việt Nam trong đó có hạt điều khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi 0%. Tuy nhiên, Trung Quốc đánh thuế giá trị gia tăng tới 17% lên các nhà nhập khẩu nên chi phí nhập khẩu thực chất tăng chứ không giảm. Do đó, các công ty nhập khẩu Trung Quốc buộc phải tính toán lại giá mua điều từ Việt Nam để cân đối lợi nhuận.
“Xuất hiện tình trạng thương lái ép giá điều nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Thanh cho biết.
Trước đây, Việt Nam xuất khẩu được nhiều sản phẩm điều cấp thấp sang Trung Quốc và coi đây là lợi thế. Tuy nhiên, vài tháng gần đây Trung Quốc từ chối nhập khẩu sản phẩm này. Như vậy, dòng sản phẩm cấp thấp mất một thị trường quan trọng.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu quá nhiều điều từ châu Phi để chế biến sẽ khiến Việt Nam khó đạt được quy tắc xuất xứ dẫn đến không được hưởng ưu đãi thuế. Theo quy định, 70% hàm lượng giá trị gia tăng phải được thực hiện tại Việt Nam.
Trước tình hình giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vẫn trong xu hướng giảm, cơ quan quản lý khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến trong nước cần giảm công suất, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong những tháng cuối năm 2018, thị trường xuất khẩu điều nhân Việt Nam sẽ thuận lợi. Dựa yếu tố chu kỳ, các nhà nhập khẩu thường đẩy mạnh mua nhân điều phục vụ nhu cầu tăng cao cuối năm.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng