Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía đường ĐBSCL bước vào niên vụ mới: Chưa vào vụ đã lo chuyện “giải cứu”
31 | 08 | 2018
Còn khoảng gần 1 tháng nữa, niên vụ mía 2018-2019 ở ĐBSCL mới bắt đầu thu hoạch; thế nhưng, ngành chức năng như “ngồi trên đống lửa” lo tìm cách giải cứu. Cùng với đó là tình cảnh hàng ngàn hộ trồng mía không còn vốn đầu tư trồng mới do thua lỗ nặng trước đó

Bỏ mía vì thua lỗ

Sau mùa vụ thua lỗ nặng nề phải cầm cố cả đất đai, nhà cửa, hàng nghìn hộ trồng mía ở tỉnh Trà Vinh đã không còn vốn đầu tư trồng mới. Nhiều nông hộ phải lưu gốc, trong khi giá phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch cứ tăng lên; buộc nhiều nông dân chọn giải pháp bỏ cây mía để chuyển sang sản xuất cây, con giống khác.

Tại huyện Trà Cú, nơi có diện tích mía nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, đến nay đã có hàng trăm hécta mía được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng lúa và cây màu. Các huyện khác như Tiểu Cần, Duyên Hải nông dân cũng đã phá bỏ cây mía để trồng loại cây khác. Theo Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, diện tích mía năm nay chỉ còn hơn 3.300ha, giảm gần 30% so với vụ mía trước. Điều đáng nói là nhà máy mía đường Trà Vinh vừa đầu tư dây chuyền nâng công suất, và đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới.

Tại tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2018-2019 địa phương xuống giống hơn 10.500ha, giảm trên 150ha so với niên vụ trước. Hiện giá mía đang giảm kỷ lục, chỉ 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS), tại cầu cảng nhà máy. Với mức giá này, nông dân sẽ không thể có lãi. Dù niên vụ mới chưa thu hoạch, nhưng chính quyền Hậu Giang đã phải tổ chức họp hai lần nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ mía cho doanh nghiệp và nông dân.

Bế tắc với đường lậu

Theo kế hoạch, còn khoảng gần 1 tháng nữa, các nhà máy đường ở ĐBSCL sẽ bắt đầu vào vụ ép cho niên vụ mía 2018-2019. Dù thời gian vào vụ ép đã cận kề, nhưng nhiều nhà máy đường vẫn đang trong tình cảnh lao đao trước áp lực giá đường vẫn đang ở mức thấp, tình hình tiêu thụ đường gặp nhiều bế tắc do đường lậu (chủ yếu từ Thái Lan) trên thị trường. Chính điều này dẫn đến lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường tương đối lớn. Qua thống kê sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường và đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho biết: Qua theo dõi thì năm nay Thái Lan sản xuất đường đạt mức kỷ lục, với gần 15 triệu tấn đường, trong khi mức tiêu thụ trong nước của họ chỉ hơn 2 triệu tấn. Do đó, để tiêu thụ số lượng lớn đường còn lại thì không còn cách nào khác là các doanh nghiệp nước này tìm cách bán sang các nước khác nên đường lậu không thuế của Thái Lan luôn tràn ngập trên thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn đường trong nước 1.000 đồng/kg. Từ đó, gây nhiều khó khăn cho các nhà máy đường trong nước và dẫn đến tình hình đường tồn kho kỷ lục như hiện nay.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, sở này đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc yêu cầu tăng cường chống đường lậu, tạm dừng nhập - tái xuất đường từ nước ngoài; mặt khác cũng đề xuất với các ngành có liên quan xem xét miễn thuế VAT và nới lỏng nợ tín dụng từ các ngân hàng. Đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh, kiểm tra về mặt hàng đường trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý. Tới đây, công tác thanh, kiểm tra mặt hàng đường sẽ tiếp tục thực hiện liên tục.


Báo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường