Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 8/2018 ước đạt 696 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vững vị trí là các thị trường chính của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 sang các thị trường này lần lượt đạt 2 tỷ USD (tăng 13,9%), 643 triệu USD (tăng 3,5%), 621 triệu USD (tăng 6,3%) và 540 triệu USD (tăng 54,6%). Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường truyền thống giữ ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay.
Ước giá trị nhập khẩu của mặt hàng này tháng 8/2018 đạt 191 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 1,45 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu ở một số thị trường như Lào và Campuchia giảm mạnh là hệ quả của chính sách chính sách cấm xuất khẩu gỗ trong và gỗ xẻ từ rừng trồng cũng như sự cạnh tranh thu mua gỗ nguyên liệu của các nhà chế biến gỗ Trung Quốc. Những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc kiểm soát gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào thời gian qua, đảm bảo không cho phép nhập khẩu qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ, bao gồm (i) Siết chặt quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu đường biên giới vơi Campuchia; (ii) Phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia kiểm soát nhập khẩu và (iii) tăng cường cường cơ chế kiểm tra giám sát giữa hai bên. Nhập khẩu gỗ từ một số thị trường có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo tính hợp pháp cao như Brazil, Chi-lê hay Mỹ đều tăng trưởng tốt phản ánh nhu cầu cao từ các nhà chế biến gỗ nội địa đối với gỗ có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Trên thị trường thế giới, diễn biến thương mại không có nhiều thay đổi khi mà căng thẳng thương mại, thiếu hụt nguyên liệu gỗ có tính hợp pháp, tiếp tục là những yếu tố chi phối thị trường gỗ thế giới. Liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, một loạt các nhà xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn đã có các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao tính hợp pháp cho nguồn gỗ rừng trồng. Ở Myanmar, Hội đồng chứng chỉ lâm sản Myanmar đã chính thức công bố hệ thống cấp chứng chỉ gỗ vào ngày 8 tháng 8 vừa qua tại Yangon; đây là một nỗ lực nhằm nâng cao tính hợp pháp cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm gỗ xuất khẩu dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO). Brazil, một trong số những nhà xuất khẩu gỗ lớn trên thế giới, mới đây cũng đã kêu gọi rà soát lại chính sách khai thác gỗ của nước này nhằm đảm bảo khai thác gỗ một cách hợp lý. Ngoài ra, Indonesia, nhà xuất khẩu gỗ lớn tại khu vực Đông Nam Á và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam tại các thị trường như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, cũng đã hoàn thành việc đàm phán các Hiệp định đối tác tự nguyên về Tăng cường thực thi Lâm luật (VPA-FLEGT) với EU.
Trong năm 2017, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán VPA-FLEGT, tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai VPA-FLEGT. Trước hết, cần học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước đi trước trong việc thực thi hiệp định này. Ví dụ như kinh nghiệm thực thi của Indonesia, một nước có nhiều điểm tương đồng về các sản phẩm gỗ nhiệt đới xuất khẩu với Việt Nam. Song hành cùng các biện pháp đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu trong ngắn hạn như duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro; Việt Nam cần chú trọng đến các giải pháp dài hạn về phát triển rừng gỗ lớn, đảm bảo nguồn cung trong nước cũng như tích cực đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng.
Lưu ý:
Các cơ quan quản lý cần trao đổi kinh nghiệm thành công của các nước đi trước trong việc thực thi hiệp định VPA-FLEGT, đẩy mạnh thực thi hiệp định này. Duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro trong ngắn hạn và phát triển rừng gỗ lớn, đảm bảo nguồn cung trong nước một cách dài hạn. Các doanh nghiệp nên tiếp cận với các chính sách mới sắp được ban hành bao gồm Luật Lâm nghiệp (đã ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019) cùng 04 nghị định và các thông tư hướng dẫn trong việc thực thi Luật Lâm nghiệp mới (đang được lấy ý kiến rộng rãi) để sớm có những chuẩn bị cần thiết, phù hợp với những thay đổi trong quy định của Luật.
Theo IPSARD-MARD