Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục mới
31 | 05 | 2018
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), giá trị xuất khẩu (XK) các mặt hàng lâm sản tháng 5/2018 đạt 663 triệu USD, đưa khối lượng XK lâm sản chính 5 tháng đầu năm ước đạt 3,43 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
XK lâm sản 5 tháng đầu năm ước đạt 3,43 tỷ USD

Năm 2018, Bộ NN-PTNT quyết tâm nâng giá trị XK của ngành hàng này lên 9 tỷ USD, trong đó khoảng 8,6 tỷ USD là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, 400 triệu USD còn lại là lâm sản ngoài gỗ.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được bởi thời điểm hiện tại mới là cuối tháng 5/2018 nhưng các doanh nghiệp XK gỗ trong Hiệp hội đã có đủ đơn hàng SX đến cuối năm. Tuy mặt hàng lâm sản của nước ta đã có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới nhưng gỗ XK vẫn chủ yếu bán được giá FOB (là giá tại cảng nước xuất. Giá này chưa bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hoá tới cảng của bên nhập) chứ chưa bán được giá CIF (là giá tại cảng của bên nhập. Giá này đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập…).

Giá FOB rẻ hơn nhiều lần so với CIF. Cụ thể, một chiếc ghế ngoài trời được tập đoàn nội thất IKEA của Thụy Điển đặt mua của chúng ta với giá từ 9 – 11 USD tùy loại. Nhưng cũng chiếc ghế đó, IKEA mang về bán ở chuỗi cửa hàng của họ với giá 30 USD, cao gấp 3 lần giá nhập khẩu tại Việt Nam. “Như vậy, nếu tất cả gỗ và sản phẩm từ gỗ của nước ta đều bán ra với giá CIF giá trị XK của ngành hàng này có thể dao động từ 20 - 30 tỷ USD ngang hàng với linh kiện điện tử, hàng dệt may… chứ không chỉ dừng lại ở con số 8 - 9 tỷ USD như hiện tại”, ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định.

Để mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể bán ra với giá CIF doanh nghiệp XK phải có thương hiệu, có thiết kế sản phẩm riêng và có mạng lưới phân phối. Nhưng cho đến hiện tại, các doanh nghiệp chủ yếu đều bán sản phẩm theo đặt hàng của bên thứ 3 mà chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực thiết kế gỗ và nội thất còn thiếu, các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp. Do đó, để bán ra sản phẩm với giá CIF, doanh nghiệp cần có thêm thời gian, nhân lực, chính sách hỗ trợ của nhà nước… và quan trọng nhất là phải đủ tiềm lực để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp cấp thiết nhất lúc này để nâng giá trị xuất siêu, giảm nhập siêu đó là giảm lượng gỗ phải nhập khẩu. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, nếu trước năm 2010, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 70 - 80% nhu cầu, nhưng đến nay nguyên liệu trong nước đã cơ bản đáp ứng được trên 75%.

Năm 2017, tổng sản lượng gỗ sử dụng cho chế biến là 31 triệu m3. Trong đó, lượng gỗ khai thác trong nước đạt khoảng 24 triệu m3 gồm: 18 triệu m3 của rừng trồng tập trung và 6 triệu m3 cây phân tán, gỗ cao su tái canh... Diện tích rừng trồng tập trung của toàn ngành lâm nghiệp vào khoảng 3,5 triệu ha. Do vậy, để đáp ứng mục tiêu đạt giá trị XK 9 triệu USD năm 2018, ngành lâm nghiệp phải cung cấp được khoảng 19 triệu m3 gỗ. Với mức tăng trưởng khoảng 10%/năm cho những năm tiếp theo, tiến tới năm 2025, sản lượng gỗ nguyên liệu phải cung cấp ổn định ở mức 30 triệu m3/năm.

Trong thời gian tới, để đảm bảo đủ sản lượng gỗ có chất lượng cao, giảm tối đa áp lực phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, Tổng cục Lâm nghiệp xác định mục tiêu là thúc đẩy, khuyến khích sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước cung cấp gỗ nguyên liệu có chất lượng để XK.

Việc ngành XK gỗ mang về giá trị cao trong những năm qua không những đã tạo động lực để người dân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm tỷ lệ khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, nâng tỷ lệ che phủ rừng của cả nước từ 39,7% năm 2011 lên 41,45% năm 2017.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường