Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi đang đối mặt với cơn khủng hoảng kháng sinh
17 | 09 | 2018
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam nhiều phen đối mặt với những cơn khủng hoảng thừa, giá heo, gà rớt thê thảm. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng sản phẩm chăn nuôi, sức cạnh tranh khi bước vào hội nhập. Thịt heo, thịt gà Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được hoặc chỉ mới xuất khẩu với tỷ lệ rất thấp.

 

 

 
 

TS.Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Olmix ở châu Á (TP.Hồ Chí Minh) được xem là chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Vừa qua, ông đã có mặt tại hội thảo về bệnh dịch tả heo châu Phi để hướng dẫn và tư vấn cho hàng trăm nông dân Đồng Nai về phương pháp phòng tránh “căn bệnh lịch sử” này ở con heo. Về lâu dài, theo TS Michel Guillaume, ngành chăn nuôi Việt Nam cần hướng tới một nền chăn nuôi công nghiệp sạch, an toàn. Và điều này cần bắt đầu bằng việc nói không với kháng sinh.

* Hệ lụy khôn lường

 Từ khi nào ngành chăn nuôi sử dụng kháng sinh, thưa ông?

- Từ năm 1948, con người trên thế giới bắt đầu nhận ra rằng việc sử dụng kháng sinh sẽ không làm vật nuôi bị bệnh. Nước đầu tiên sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là Mỹ. Thời điểm đó Mỹ có nhu cầu sử dụng thức ăn từ nguyên liệu thịt heo, thịt gà rất là nhiều để phục vụ cho chiến tranh. Ngoài ra, thực phẩm từ thịt của nước này còn được xuất khẩu đi nhiều nước, như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… Mục tiêu của chăn nuôi là làm sao để thịt có giá rẻ và mang lại nhiều lợi ích tối đa.

  •  

Theo ông, thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi như thế nào?

- Ước tính có khoảng 45 ngàn tấn kháng sinh được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới trong ngành chăn nuôi. Trong đó, có đến 90% sản lượng thuốc kháng sinh được sử dụng trong nuôi heo. Trong đó, 21 ngàn tấn thuốc kháng sinh được sử dụng cho con heo ngay từ giai đoạn cai sữa. Để giảm sử dụng kháng sinh cho heo ở giai đoạn này thì cần kéo dài thời gian cai sữa…

 Thực trạng này với riêng ngành chăn nuôi ở Việt Nam?

- Các nước châu Á bắt đầu quan tâm đến chăn nuôi không kháng sinh bằng việc sử dụng các chất thay thế kháng sinh như tôi nói ở trên. Nhiều nước trên thế giới nhận thức về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh và hạn chế nó. Cụ thể như với thủy sản, nhiều nước chỉ trộn 100g thuốc kháng sinh trên 1 tấn thức ăn, Việt Nam đang sử dụng liều lượng cao nhiều lần so thế giới. Sự lạm dụng kháng sinh nhiều đến mức không thể nào ngăn chặn được bởi vì chưa coi trọng về an toàn sinh học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể xuất khẩu được mặt hàng thịt heo. Hiện nay, thịt gà cũng mới xuất khẩu được rất ít cũng do nguyên nhân này. Với thủy sản cũng vậy, để xuất khẩu được, người nuôi trồng phải tuân theo tiêu chuẩn rất khắt khe của châu Âu về vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh.

 Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là gì?

- Với tốc độ phát triển nhanh về dân số thì dịch bệnh cũng phát triển mạnh. Trong vòng 2 năm đầu tiên, việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi rất là tốt. Nhưng sau đó, dịch bệnh trên vật nuôi đã bắt đầu xuất hiện các đề kháng. Và khi con người ăn các nguồn thực phẩm chứa chất kháng sinh, khi họ bị bệnh sẽ xảy ra tình trạng lờn thuốc. Cơ thể con người sẽ xuất hiện tình trạng kháng thuốc và đến lúc không còn có loại thuốc kháng sinh nào còn có tác dụng.

Hậu quả này là rất nghiêm trọng vì tốc độ con người sản xuất ra vaccine để chữa bệnh không nhanh bằng sự phát triển của các loại bệnh. Đây là nỗi lo lắng rất lớn của nền y tế thế giới vì hiện có rất nhiều người đã chết trong các bệnh viện vì họ bị kháng thuốc điều trị. Chỉ riêng nước Mỹ, người ta ước tính có khoảng 500 ngàn người chết do họ bị kháng thuốc vì có rất nhiều loại thuốc kháng sinh không có tác dụng trên cơ thể người bệnh.

* Nên thay đổi từ cách nghĩ

 Đến lúc nào, con người mới nhận ra sự nguy hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi?

- Từ năm 1985, ở châu Âu có 1 nhóm khoảng 10 chuyên gia bắt đầu quan tâm đến vấn đề đề kháng kháng sinh và nghiên cứu tìm ra và chứng minh được rằng những acid hữu cơ là chất có khả năng thay thế kháng sinh. Bắt đầu năm 1995, ở châu Âu bắt đầu ngưng việc sử dụng kháng sinh một cách có hệ thống và bắt đầu tồn tại những sản phẩm thịt heo, gà sạch hoàn toàn không có thuốc kháng sinh. Để có được những sản phẩm không kháng sinh, người chăn nuôi có thể sử dụng những chất thay thế kháng sinh được chiết xuất từ tảo hoặc acid hữu cơ.

 Giải pháp cho vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi là gì, thưa ông?

- Chỉ nên sử dụng kháng sinh khi đó là giải pháp cuối cùng và hiệu quả của nó được bảo đảm thông qua việc sử dụng đều đặn, hợp lý và có kiểm soát. Ngoài ra, để hạn chế sử dụng kháng sinh từ từ, người chăn nuôi phải tuân thủ các quy trình an toàn sinh học một cách tuyệt đối. Tôi lấy ví dụ, người nuôi hiện chỉ quan tâm cho con heo ăn thức ăn càng sớm thì tốc độ tăng trưởng sẽ càng nhanh. Họ quan niệm rằng heo con được sử dụng kháng sinh càng sớm thì càng tốt nên sản lượng kháng sinh được sử dụng cho heo trong giai đoạn cai sữa là rất lớn như tôi đã nói ở trên.

 Nhưng thực ra không phải như vậy. Có một giải pháp là người nuôi có thể kéo dài thời gian cai sữa cho con heo là thay vì cho heo con cai sữa vào ngày 21 như cách thông thường thì người nuôi nên để đến 28 ngày mới cho cai sữa. Ở đây, người nuôi chỉ cần thay đổi một chút trong quy trình nuôi để hệ tiêu hóa của con heo hoàn chỉnh hơn thì mới cho cai sữa và ăn thức ăn sẽ hạn chế được về bệnh đường ruột thì sẽ giảm được một lượng rất lớn kháng sinh.

 Ông có thể cho ý kiến đánh giá về trình độ chăn nuôi của Việt Nam so với mặt bằng thế giới?

- Tôi lấy ví dụ với con heo, năng suất của chăn nuôi ở Việt Nam còn khá thấp so với thế giới. Trong đó, có lý do là thời tiết của Việt Nam không quá ưu đãi cho chăn nuôi vì chúng ta có nhiệt độ và độ ẩm rất cao. Ngay cả với những trại nuôi thuộc hàng tốt nhất ở Việt Nam, 1 con heo nái có thể sản xuất ra 27-28 con heo con/năm, nhưng ở Pháp hiện nay 1 con heo mẹ có thể sản xuất ra được 33 con/năm, ở Đan Mạch là 38 con…

Nhiều nước, việc tuân thủ quy trình chăn nuôi được đưa vào luật, như ở Đan Mạch có bộ luật hẳn hoi là phải đến 28 ngày heo con mới được cai sữa. Việt Nam cũng nên có hẳn bộ luật về quy trình chăn nuôi để mọi người buộc phải tuân theo.

 Xin cảm ơn ông!

 

Từ khi bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi, TS.Michel Guillaume luôn kín lịch tham gia các hội thảo chuyên ngành tại Việt Nam và các nước về căn bệnh nguy hiểm này. Ông luôn nhấn mạnh với người chăn nuôi là giải pháp phòng căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này là phải xây dựng được hàng rào an toàn sinh học để cách ly hẳn trang trại chăn nuôi với môi trường bên ngoài. Trong đó, việc quản lý con người ra vào trang trại rất quan trọng vì đây là một trong những nguyên nhân gây lây lan căn bệnh nguy hiểm này.

Tác giả: Bình Nguyên

 

 



Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Báo cáo phân tích thị trường