Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khẳng định vị thế cường quốc xuất khẩu nông sản
07 | 01 | 2019
Với tổng kim ngạch dự kiến vượt 40,5 tỉ USD, XK nông lâm thủy sản năm 2018 đã ghi nhận con số kỷ lục mới, dù chịu áp lực cạnh tranh thị trường và sự giảm sút một số mặt hàng cây công nghiệp trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp NK; sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường…

Những thách thức cụ thể với XK nông sản của Việt Nam trong thời gian qua, đó là việc thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản NK, mà còn tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới.

Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác NK từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.

Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về ATTP và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản NK, gây bất lợi đến tiến độ XK của Việt Nam vào các thị trường này…

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn; kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính cả năm, tổng kim ngạch XK sẽ đạt vượt mức 40,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về XK nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 thế giới, và đã XK sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).

XK nông lâm thủy sản của Việt Nam trong năm 2018, tiếp tục thể hiện được nhiều nét nổi bật theo hướng tốt. Theo đó, thị phần XK đều được duy trì, củng cố và mở rộng. Một là 5 thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017); 17,9% (tăng 9,4%); 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%).

Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm. Hai là giá trị XK các mặt hàng chủ lực đều tăng. Trong số các mặt hàng nông sản chủ lực XK của Việt Nam, có một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh trong năm 2018, tuy nhiên cũng có những mặt hàng có sự tăng giá trên thị trường thế giới, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản.

Cụ thể đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, cá tra đạt trên 2 tỷ USD tăng 27,4%?

Những khó khăn của thị trường nông sản thế giới trong năm 2018 là một cản trở lớn cho Việt Nam để duy trì đà tăng trưởng hai con số về kim ngạch XK nông sản. Nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK khiến cho nguồn cung tăng nhanh, trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2018, XK cà phê tăng 21,3% về lượng nhưng chỉ tăng 0,9% về giá trị do giá cà phê XK chỉ đạt 1.901 USD/tấn, giảm 16,2% so với năm 2017.

Tương tự, các mặt hàng cao su tăng 13,4% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị; hạt tiêu tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 33,4% về giá trị; hạt điều tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với năm 2017. Các mặt hàng chủ lực (cà phê, điều và cao su) mặc dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng XK nên Việt Nam vẫn duy trì được giá trị XK ở mức cao (xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD; xuất khẩu điều đạt 2,25 tỷ USD; cao su đạt 1,87 tỷ USD).

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường