Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần có thương hiệu hồ tiêu Việt Nam
29 | 07 | 2008
Hồ tiêu có mặt ở nước ta được hơn 150 năm nhưng đã khẳng định vị trí là một trong những mặt hàng nông sản thu nhiều ngoại tệ nhất. Giai đoạn 2001-2006, diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng đột biến.
Xây dựng thương hiệu sẽ giúp hồ tiêu VN giữ ngôi vị quán quân bền vững.

Suốt 8 năm liên tiếp, hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, bình quân 70.600 tấn/năm (chiếm 31,2% thị phần thế giới), đã có mặt ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Hồ tiêu Thế giới (IPC) nhận định, năm 2008, Việt Nam sẽ tiếp tục “dẫn dắt” thị trường hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để giữ vững vị trí số 1, các ngành chức năng cần quan tâm tới việc định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đặc biệt là xây dựng thương hiệu chính thống.

Vai trò điều tiết thị trường thế giới

Hồ tiêu có mặt ở nước ta được hơn 150 năm nhưng đã khẳng định vị trí là một trong những mặt hàng nông sản thu nhiều ngoại tệ nhất. Giai đoạn 2001-2006, diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng đột biến. Nếu như năm 2001, cả nước chỉ có 31.600ha hồ tiêu, sản lượng 44.400 tấn thì đến năm 2006 đã tăng lên 50.000ha, sản lượng 90.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hồ tiêu từ năm 2001 đến 2005 chỉ đạt 11,9 triệu USD/năm, mức giá bình quân 1.346 USD/tấn, thì đến cuối năm 2006, con số này đã là 286 triệu USD, giá 3.300 USD/tấn. Ước tính, năm 2008, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, kim ngạch 290 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay.

Chất lượng hồ tiêu đã phần nào thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Việt Nam đã có hơn 10 nhà máy chế biến hạt tiêu đạt tiêu chuẩn thị trường Mỹ (ASTA), tiêu chuẩn thị trường châu Âu (ESA).

Sở dĩ hạt tiêu nước ta có ảnh hưởng lớn đối với giá hạt tiêu toàn cầu vì nguồn cung ở nhiều nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Brazil, Inđônêxia... đang giảm dần. Trong tình hình như vậy, giá hạt tiêu xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trước đây, hồ tiêu nước ta chủ yếu bán qua trung gian, vì thế chỉ đạt mức giá thấp. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, sau một vài công đoạn, chế biến, dán nhãn mới đã nâng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần.

Trong một thời gian dài, hồ tiêu Việt Nam đến với thế giới bằng một cái tên khác. Nhưng hiện nay, tình hình đã được cải thiện, cụ thể là trong năm 2007, giá bán tiêu của Việt Nam đã ngang với giá các nước, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Có đến 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu được bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến gia vị tại nhiều nước. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, khả năng chi phối giá cả thị trường cũng được mở rộng. Một dấu hiệu rất tích cực nữa là những nước sản xuất hồ tiêu lớn trong khu vực như Indônêxia, Malaysia... đã đặt vấn đề hợp tác, phát triển, đảm bảo giá có lợi cho người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu.

Cần có thương hiệu hồ tiêu Việt Nam

Theo các chuyên gia, tiềm năng của hồ tiêu Việt Nam là rất lớn. Hạt tiêu vốn được coi là “vua” của các loại gia vị, các quốc gia sản xuất tiêu trên thế giới không nhiều, phần lớn tập trung ở 6 nước trong IPC, chiếm 80% sản lượng và số lượng xuất khẩu, là nhân tố chủ yếu chi phối, điều tiết thị trường hạt tiêu toàn cầu. Vì vậy, cơ hội cho hồ tiêu Việt Nam rất rộng mở, tuy nhiên, theo ông Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết làm ăn theo đúng luật kinh doanh, nghĩa là bán cái khách hàng cần chứ không phải cái chúng ta có. Đây cũng là nguyên nhân khiến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vẫn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Một số nơi, người trồng vẫn mang tính nhỏ lẻ, việc đầu tư về giống, kỹ thuật... chưa được chú trọng, tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng” làm ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng. Bên cạnh đó, dù hồ tiêu Việt Nam đã có vị thế trên thị trường quốc tế nhưng trong 6 tỉnh trọng điểm sản xuất, chúng ta mới chỉ xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.

Vì vậy, để đạt mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra: giữ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 50.00ha, sản lượng 100.000 tấn/năm, các địa phương phải hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình của tiêu chuẩn GAP để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, làm cho giá trị hàng hoá ngày càng gia tăng, xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung. Chuyển từ sản xuất tiểu nông với kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao, tổ chức các câu lạc bộ, tổ hợp sản xuất... giúp nhau cùng phát triển. Phổ biến thông tin thị trường để nông dân và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giao lưu hợp tác quốc tế... “Quan trọng nhất là phải xây dựng thương hiệu chính thống cho hồ tiêu Việt Nam”, ông Nam nói.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường