Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành nông nghiệp năm 2018: Thắng lợi toàn diện
07 | 01 | 2019
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân, chúng ta có một năm thắng lợi toàn diện.

Đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung

Thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, mà các tiêu điểm là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước vốn là thị trường nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu; sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là hồ tiêu…

Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao, tới 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong bảy năm qua, khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tổng kết năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục - 40 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới  đạt 42,4% số xã và 61 huyện, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, là con số rất cao nếu so với mức bình quân thế giới chỉ đạt 29%. 

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhận định, trong khi những sản phẩm cây công nghiệp chủ lực như cao su, cà phê, điều, tiêu trong năm 2018 bị sụt giảm giá trị xuất khẩu thì sự tăng trưởng các mặt hàng: gỗ, thuỷ sản, chăn nuôi, rau quả với hàm lượng chế biến sâu gia tăng đã giúp bù vào đó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp ngành Nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Tuy đạt được kết quả cao và khá toàn diện, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, quy mô hộ sản xuất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã còn ít, thiếu chặt chẽ.

Ngành cá tra bứt phá ngoạn mục

Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra  năm 2018 được đánh giá có sự bứt phá ngoạn mục, với trị giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đạt 2,26 tỷ USD. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 15% so với kế hoạch đề ra. Bộ đánh giá, đây là đỉnh cao của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra từ trước đến nay. 

Để có được kết quả này, toàn ngành cá tra đã nỗ lực hết mình để làm thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của các thị trường dành cho toàn quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam; trong đó, phải kể đến thành quả đạt được là Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam tương đương với quy trình nuôi cá da trơn tại Mỹ. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ, trong suốt 16 năm liên tục, kể từ ngày 28/6/2002,  cá tra Việt Nam đã chống chọi với hàng rào thuế chống bán phá giá, loại thuế được nước Mỹ dùng để bảo vệ cá tuyết,  loại cá da trơn được nông dân Mỹ sản xuất và cung ứng cho thị trường này. 

Nhưng đến giữa năm 2018, ngành cá tra Việt Nam đã đón các đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến kiểm tra thực tế sản xuất. Kết quả là Cục kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, cá basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương với cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Điều này cho thấy, chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam đã được nâng tầm và đường hoàng bước chân vào thị trường khó tính nhất thế giới. Khi được sự công nhận này, thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam được giảm. 

Còn thiếu những đột phá về thị trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có 3 khâu chưa thực sự đột phá. Thứ nhất là về thị trường, thông tin thị trường mù mờ, đây là yếu tố cản trở khi hội nhập. Thứ hai là về thể chế, có những vướng mắc quá lâu chưa được xử lý dứt điểm, nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ ba, các viện nghiên cứu hay cơ quan khuyến nông chưa có động lực phát triển. 

Năm 2019, ngành Nông nghiệp và PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 48-50% và 70 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cụ thể, các đơn vị địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành ba trục sản phẩm.

Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia sẽ được tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. 

Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương. Có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.

Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. 

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như: rau màu, cây ăn trái, dược liệu… Trong sản xuất sẽ thực hiện các giải pháp quy trình kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa và phát triển mạnh công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. 

Chăn nuôi sẽ tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát theo chuỗi.

Thủy sản được khuyến khích nuôi thâm canh, công nghiệp và quảng canh tiên tiến; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nuôi theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EC; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế. 

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngành đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm sản, thủy sản... và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với những tiền đề của giai đoạn vừa qua cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm. Trong tái cơ cấu sẽ phải đồng bộ các khâu, kể cả trong khâu sản xuất, chế biến và thương mại. Từ quy mô hộ cho đến cộng đồng là hợp tác xã, doanh nghiệp đều phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt.

Cùng với đó, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đem lại sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp trong năm 2019.

Ba thách thức của ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2018, Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần phải ứng phó, xử lý, trong đó có 3 thách thức lớn nổi lên.

Trước hết là tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khu vực nông nghiệp và người nông dân là đối tượng tổn thương đầu tiên từ những thách thức này, một nguy cơ mà xu hướng  gần đây càng ngày càng cực đoan.

Thứ hai là chuỗi liên kết giá trị nông sản trong sản xuất còn lỏng, quy mô còn nhỏ lẻ dẫn đến sức cạnh tranh, năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp. Chính sản xuất nhỏ lẻ là nguy cơ dẫn đến khó kiểm soát được về chất lượng, chưa kể năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp và  rủi ro về mặt thị trường.

Thứ ba là những biến động của thị trường xuất khẩu, dẫn đến những rủi ro về mặt thị trường. Với kim ngạch vượt 40 tỷ USD và đứng thứ 14 trên thế giới về nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, trong bối cảnh hàng rào thuế quan và chiến tranh thương mại diễn biến khó lường, sẽ tạo thêm thách thức đối với lĩnh vực nông sản.

Để ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế,… tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

“Riêng với khối doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, Bộ cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ để thực hiện cho được phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; coi doanh nghiệp là hạt nhân liên kết của 4 nhà để thực hiện cho được Nghị quyết  Chính phủ  ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường