Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hạt điều tỷ đô nhiều triển vọng, đâu liêu xiêu như "cánh diều"
28 | 02 | 2018
Áp lực nguồn nguyên liệu cho chế biến điều sẽ không quá căng thẳng như cách người ta ví von rằng ngành hàng xuất khẩu số một thế giới hiện đang bay cao nhưng dễ chao đảo như cánh diều trong gió.

Đó là phản hồi được Hội điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 tại TP.HCM chiều ngày 27.2.

Niên vụ 2017, nông dân trồng điều trong nước bị thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trước đó, ngay trong cấp Bộ nông nghiệp, không ít ý kiến quan ngại ngành điều bay cao nhưng cũng dễ chao đảo. “Cánh diều trong gió” được đưa ra minh họa cho nỗi lo nguồn nguyên liệu từ trong nước đến nhập thô để chế biến mà mùa vụ nào ngành điều cũng phải đối diện.

Ông Đặng Hoàng Giang – Tổng thư ký Vinacas lại không đồng tình cách nghĩ như vậy. Trong nước, người trồng điều bị thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan và sâu bệnh mùa vụ 2016, 2017. Đại diện Vinacas cho rằng đó không phải thách thức mà là cơ hội để tái cơ cấu ngành và hướng đến phát triển bền vững.

“Và trách nhiệm thuộc về ngành nông nghiệp. Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân để hướng đến một mùa điều thắng lợi”, ông Giang nói.

Tại các vùng sản xuất điều ở Đông Nam Bộ, nhiều nông dân cũng đang khấp khởi hi vọng một mùa điều thành công hơn khi thời tiết khá thuận lợi. Một số vùng trồng trước đó bị ảnh hưởng do sương muối, mưa trái mùa cả trước và trong Tết Nguyên đán không ảnh hưởng nhiều và chỉ ở mức cục bộ.

Ông Trần Văn Nghĩa, nông dân trồng điều ở Đồng Nai kể từ lúc thời tiết có biểu hiện xấu nhiều người đã kịp thời ra vườn xử lý. “Nhìn chung, năm nay cây điều rất sai bông nên hứa hẹn cho năng suất tốt. Giá hạt điều bán ra cũng giao động trên dưới mức 40.00 đồng/kg khiến nhiều người phấn khởi”, ông Nghĩa kể.

Nhiều ý kiến nhận định mùa vụ 2018 sẽ thuận lợi hơn thời tiết ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường tháng 1.2018 tăng rất mạnh 71% về lượng và tăng 93% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017.

Nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng, giá điều trong năm 2018 sẽ vẫn giữ ở mức cao. Nhiều ý kiến đánh giá đây là những yếu tố thuận lợi hơn cho xuất khẩu hạt điều của Việt Nam so năm 2017.

Đối với nguồn nguyên liệu nhập thô, Vinacas cho biết vẫn đang nỗ lực giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Động thái tích cực mới đây nữa là ngành điều tiếp tục hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu ở Campuchia. “Giúp họ thực chất là tự giúp mình trên tinh thần đôi bên cùng có lợi”, ông Giang nói.  

Tuy nhiên, Vinacas cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp cần tỉnh táo về tình hình kinh doanh năm 2018 khi đầu mùa giá mua nguyên liệu tăng đột biến và bất thường.

Tuy nhiên, Vinacas cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp cần tỉnh táo về tình hình kinh doanh năm 2018. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá hạt điều xuất khẩu thường được giữ ở mức ổn định nên doanh nghiệp khó điều chỉnh giá đầu ra ở mức tăng tương xứng với giá nguyên liệu đầu vào. Việc giảm giá thành hiện nay cũng không còn nhiều cơ hội vì chính sách lương bỗng, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm cho lao động.

Vì thế, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas cho rằng cần hết sức cân nhắc giá mua nguyên liệu đầu vào. “Nếu mua được giá bình quân 1.800 USD/1 tấn điều thô cả niên vụ sẽ giảm giá nhập kho 10% so năm 2017, tình hình kinh doanh sẽ ổn định. Giá điều thô mà cứ trên 2.000 USD/1 tấn sẽ rất khó có lời”, ông Thanh chia sẻ.

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là quốc gia chế biến và xuất khẩu hạt nhân điều số 1 thế giới với sản lượng 362,7 ngàn tấn nhân điều nhân các loại, đạt kim ngạch 3,62 tỷ USD. Nếu gộp chung các sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm phụ thì năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành điều đạt xấp sỉ 4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Theo Dân Việt

 



Báo cáo phân tích thị trường