Theo Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem), xu hướng tăng giá phân bón trên thị trường quốc tế theo giá dầu, đặc biệt đối với sản phẩm Ure, DAP, cùng chính sách kiểm soát môi trường tại Trung Quốc dẫn tới giảm sản xuất, giảm nguồn cung hóa chất phân bón là yếu tố chính tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phân bón, hóa chất trong nước trong năm 2018.
Tuy nhiên, thị trường bị ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến căng thẳng kinh tế thương mại thế giới cũng như một số tác động từ chính sách và quy định hiện hành, đặc biệt là tình trạng khó khăn về nguyên liệu đầu vào.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Vinachem cho biết, sự thiếu hụt trong sản lượng than cung cấp của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) so với nhu cầu sử dụng thực tế từ tháng 4/2018 cũng như việc tăng giá bán than đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thành viên Vinachem.
“Lượng than dự trữ dưới mức cho phép dẫn đến không xử lý được độ ẩm than khi đưa vào sản xuất làm ảnh hưởng lớn đến phương thức sản xuất và định mức tiêu hao. Bên cạnh đó, giá than cám 4a1 trong năm 2018 tăng 250.000 đồng/tấn so với giá than năm 2017 làm tăng chi phí sản xuất đạm Ure, lại thêm đợt điều chỉnh giá bán than cám 5a cho sản xuất đạm Ure tăng 84.000 đồng/tấn đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất của các đơn vị”, ông Chuyên nói.
Ngoài ra, việc chậm được cấp phép khai thác lại cho các khai trường, sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập ngoại như pin ắc quy, cao su, chất tẩy rửa, phân bón, cùng những khó khăn trong vay vốn lưu động, lãi suất tăng thêm 1 - 2,5%/năm là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất.
Trong bối cảnh này, báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2018 của Vinachem cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế thị trường của toàn Tập đoàn đạt 45.536 tỷ đồng, hụt khoảng 3,2% so với kế hoạch, song vẫn tăng 7% so với năm 2017. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 47.900 tỷ đồng, bằng 99,3% kế hoạch và tăng 5,6% so với năm 2017.
Đáng chú ý, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 609 tỷ đồng, gấp 3,7 lần năm 2017, song vẫn hụt 33 tỷ đồng so với kế hoạch. Kết quả hoạt động của 4 doanh nghiệp trong danh mục khó khăn thuộc 12 dự án thua lỗ ngành công thương năm 2018 được cải thiện, song tính chung vẫn lỗ khoảng 1.312 tỷ đồng (giảm 742 tỷ đồng so với năm 2017).
Năm 2019, trước một số tín hiệu thuận lợi của thị trường, Vinachem đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh ngay từ đầu năm để đáp ứng nhu cầu gia tăng các mặt hàng phân bón, hóa chất của thị trường trong nước cũng như các nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất.
Để đảm bảo nguồn cung ứng quặng và các nguyên liệu, Tập đoàn tập trung vào các dự án trọng điểm như dự án quặng Apatit tại khai trường ngòi Đum, Đông Hồ, khai trường 19, dự án đầu tư thay thế Bình điện phân DD350 của Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam, dự án mua đất mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp An Phước của Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam…
Năm 2019, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.363 tỷ đồng, tăng 10,6% so với ước thực hiện năm 2018, tổng doanh thu đặt mục tiêu đạt 51.541 tỷ đồng, tăng 7,6% so với ước thực hiện năm 2018, lợi nhuận toàn Tập đoàn phấn đấu đạt 1.168 tỷ đồng, tăng 92% so với ước thực hiện năm 2018.
Trong đó, 4 đơn vị thuộc nhóm các dự án thua lỗ ngành công thương dự kiến lỗ 840 tỷ đồng, bằng 64% so với ước thực hiện năm 2018, các đơn vị còn lại trong Tập đoàn dự kiến lãi 2.008 tỷ đồng, tăng 5% so với ước thực hiện năm 2018. Tập đoàn đặt mục tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2019 với tổng giá trị đầu tư đạt 796,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Cường, Tổng giám đốc Công ty THHH MTV Apatit Việt Nam cho rằng, thị trường phân bón và hóa chất trong nước đã có tín hiệu phục hồi trong nửa cuối năm 2018 và có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2019.
“Tổng nhu cầu quặng Apatit trong nước theo đăng ký của các doanh nghiệp hiện nay là trên 5 triệu tấn/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khai thác, phát huy tối đa năng lực sản xuất”, ông Cường nói.