Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính phủ Lào luôn quan tâm, hỗ trợ các công ty cao su trực thuộc VRG
18 | 06 | 2019
Đó là khẳng định của đồng chí Sinlavon Khoutphaythoume – UV Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn tại buổi làm việc giữa Đoàn cán bộ cấp cao Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa DCND Lào với lãnh đạo VRG, vào ngày 14/6

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG đã báo cáo tình hình đầu tư của VRG tại Lào. Tính đến nay, Tập đoàn có 6 công ty (Công ty TNHH Bolykhamxay Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay, Công ty TNHH Cao su Quavan, Công ty CP Quasa Geruco, Công ty CP Cao su Việt Lào và Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào) trồng cao su trên địa bàn 5 tỉnh biên giới, gồm: tỉnh Bolykhamxay, Salavan, Oudomxay, Champasak và Savanaket.

 

Tổng diện tích cao su tại Lào là 26.241 ha. Trong đó, tổng diện tích cao su đã đưa vào khai thác là 18.479 ha (chiếm 70% diện tích). Tổng sản lượng cao su xuất khẩu từ khi có vườn cây khai thác đạt 128.304 tấn, với tổng giá trị cao su xuất khẩu đạt 197,664 triệu USD. Trong đó năm 2018, sản lượng cao su xuất khẩu đạt 37.117 tấn, giá trị cao su xuất khẩu đạt khoảng 50,711 triệu USD.

Tập đoàn đã đầu tư 3 Nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 39.500 tấn/năm, tại Công ty CP Cao su Việt Lào (công suất 13.000 tấn/năm – vận hành từ năm 2013), Công ty CP Dầu Tiếng Việt Lào (công suất 16.500 tấn/năm) và Công ty CP Quasa Geruco (công suất 10.000 tấn/năm).

 

Các dự án tại Lào đã giải quyết việc làm cho hơn 4.841 lao động, với mức lương bình quân đạt 2,03 triệu kíp/người/tháng. Các công ty đã đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trong vùng dự án, như: làm đường, trường học, trạm xá, giúp tôn lợp, hệ thống đường dây điện, khoan giếng… góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư tại Lào, tại buổi làm việc, ông Bảo cũng trình bày các kiến nghị, đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm bớt các thủ tục và chi phí.

 

Cụ thể: Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Quan tâm hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

 

Chính phủ Lào nên có chương trình hỗ trợ, tuyên truyền chính sách thuế, mở các lớp đào tạo chuyên môn, tập huấn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực về thực hiện nghĩa vụ thuế, các chế độ chính sách của nước CHDCND Lào. Có ý kiến với cơ quan thuế của Lào về các thủ tục nộp thuế, hoàn thuế cũng như thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được nhanh gọn.

VRG kiến nghị thuế của năm nào quyết toán theo năm đó, nếu công ty nộp thiếu thì phải nộp bổ sung, nếu công ty nộp thừa thì phải được hoàn lại, không để đến khi có lợi nhuận mới được bù trừ. Đề nghị Chính phủ Lào chấp thuận chủ trương sáp nhập những công ty có quy mô quá nhỏ để tăng hiệu quả dự án.

 

VRG mong muốn Chính phủ Lào nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động, quan tâm tăng cường công tác đào tạo nghề liên quan đến lĩnh vực cao su, có cơ chế giảm chi phí xin visa, đăng ký lưu trú và làm thẻ lao động cho lao động Việt Nam sang làm việc ở các dự án.

 

VRG đề nghị Chính phủ Lào xem xét cải cách thủ tục cấp Giấy phép hành nghề nông lâm nghiệp: Chu kỳ cây cao su từ lúc trồng, chăm sóc, khai thác là 28 năm, nhưng giấy phép hành nghề nông lâm nghiệp do Bộ Nông Lâm nghiệp Lào cấp chỉ có thời hạn 01 năm, hàng năm các Công ty phải xin gia hạn giấy phép hoạt động hành nghề nông lâm nghiệp là chưa phù hợp, tốn kém.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục và chi phí, VRG đề nghị cấp có thẩm quyền của Lào điều chỉnh thời hạn cấp Giấy phép kinh doanh Nông lâm nghiệp từ 01 năm (do Bộ Nông Lâm nghiệp cấp như hiện nay) lên 05 năm và cho phép gia hạn tại Sở Nông Lâm như những năm trước đây. Đồng thời giảm các thủ tục, các bước trung gian để góp phần thúc đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su, xây dựng các công trình khác của Tập đoàn tại Lào.

 

Đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan của Lào quan tâm, xem xét sớm có cơ chế về thủ tục xuất bán gỗ cây cao su cho các doanh nghiệp Việt Nam, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ghi nhận những kiến nghị của VRG, đồng chí Sinlavon Khoutphaythoume – UV Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn, cho biết: “Ngay từ khi VRG bắt đầu dự án trồng cao su, Đảng và Chính phủ Lào đã rất quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Trong thời gian qua, các công ty cao su trực thuộc VRG đã từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án và quan trọng nhất là đã thay đổi được tập quán sống du canh du cư, dần quen với định canh, định cư, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, quy mô công nghiệp. Về các kiến nghị của VRG, tôi sẽ báo cáo lại với TW Đảng, Chính phủ để tiếp tục kết nối, hỗ trợ”.



Theo thitruongcaosu.net
Báo cáo phân tích thị trường