Cà Mau đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Cà Mau thí điểm mô hình hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ diện tích đất quy mô lớn. Qua đó đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp, khả thi...
Những năm qua, Cà Mau đã đúc kết, nhân rộng các mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả: Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao lót bạt, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT), nuôi tôm sú QCCT hai giai đoạn, QCCT ít thay nước, sản xuất luân canh tôm - lúa...
Đặc biệt, thời gian gần đây, địa phương đã phát triển nhanh loại hình ương, nuôi tôm trong hệ thống ao nổi lót bạt, bước đầu mang lại hiệu quả cao, đây là mô hình nuôi có thể chủ động với việc cấp thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh trong ao lót bạt có năng suất bình quân khoảng từ 40 - 50 tấn/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với tôm công nghiệp thông thường; mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn, QCCT ít thay nước cũng cho năng suất cao hơn, năng suất bình quân đạt từ 450 - 500kg/ha/năm.
Theo định hướng phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và QCCT. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh sẽ tăng lên 5.000ha vào năm 2020, 8.000ha vào năm 2025 và 10.000ha vào năm 2030; diện tích nuôi tôm QCCT sẽ tăng lên 162.000ha vào năm 2020, 182.000ha vào năm 2025 và 188.000ha vào năm 2030.
“Trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn thì việc phát triển các loại hình nuôi tôm chủ động trong việc cấp, thoát nước, nhất là nuôi siêu thâm canh trong ao lót bạt và ao nổi là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế sự tác động ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề nuôi tôm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử nhận định.
(Theo báo Đất Mũi Online)