Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thịt heo thiếu hụt và hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam
02 | 07 | 2019
Dịch tả heo châu Phi (ASF) hiện đã xuất hiện tại 60 tỉnh thành và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi như thế nào để khôi phục ngành công nghiệp chăn nuôi heo và góp phần ổn định thị trường đang là vấn đề bức thiết được đặt ra.
Thị trường sẽ thiếu thịt heo
Ipsos Business Consulting (Công ty nghiên cứu toàn cầu Ipsos ) vừa công bố về cung cầu thị trường heo Việt Nam tháng 7 năm 2019 đến đầu năm 2020. Tính đến 24/6, ASF đã xuất hiện trên 60 tỉnh thành, hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cầu thịt heo trên thị trường. Ước tính, tại thời điểm 6/2019, tổng đàn nái cả nước đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Cùng với giảm mạnh về nguồn cung và tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, người tiêu dùng lo ảnh hưởng đến sức khỏe đã giảm tiêu thụ thịt heo tạm thời. Tuy nhu cầu có giảm nhưng do nguồn cung giảm mạnh hơn, do đó Ipsos dự báo đến cuối năm 2019, nhất là dịp gần Tết nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt heo, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.
Từ bức tranh cung – cầu về thịt heo như nêu trên, theo nhận định của Ipsos, một hướng đi mới cho thị trường là sự giảm mạnh đàn nái trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và xu hướng chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi khép kín sẽ tăng dần. Đến cuối năm 2019, dự đoán đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt heo các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt heo, tăng 670,8% lần so với cùng kỳ năm 2018 . Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019 đã gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính các doanh nghiệp đã chi gần 7 triệu USD để nhập khoảng 4.000 tấn thịt dạng đông lạnh; trong khi 6 tháng năm 2018, chỉ có khoảng 1.000 tấn thịt được nhập khẩu, giá trị khoảng 2 triệu USD.
Hiện tại, mặc dù giá heo tại các trại chăn nuôi ở miền Đông Nam bộ giảm thấp, chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền lượng heo về chợ vẫn cao, không thấp hơn nhiều so với trước. Tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, giá thịt heo cao, thịt đùi khoảng 100.000 đồng/kg, thịt vai 95.000 đồng/kg, ba rọi 122.000 đồng/kg, thịt nạc 112.000 đồng/kg, cao hơn ở các chợ lẻ khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Tại các chợ lẻ ở TP. Hồ Chí Minh như Tân Phú, Tân Bình, Hòa Hưng, Thị Nghè, Hòa Bình ngày 29/6 thịt heo bán lẻ vẫn neo giá cao. Cụ thể, thịt nạc 100.000 đồng/kg, thịt đùi 80.000 đồng/kg, ba rọi từ 100.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo ở chợ bán lẻ cho biết, nhu cầu tiêu thụ thit heo của người dân thành phố vẫn cao, nhất là sau khi truyền thông thông tin rộng rãi dùng thịt heo được kiểm soát dịch bệnh và dịch ASF không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Phục hồi chăn nuôi bằng chăn nuôi theo chuỗi kép kín
Dịch ASF “quét” qua nhiều tỉnh thành gây thiệt hại cực lớn cho ngành chăn nuôi, do vậy điều mà họ quan tâm nhất hiện nay là làm cách gì để tổ chức khôi phục lại sản xuất, ổn định thị trường.
Ông Hà Thanh Tú, chủ một trang trại đã “phơi chuồng” vì dịch ASF ở Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt gia đình ông chưa tổ chức lại sản xuất, chỉ khi dịch ASF được kiểm soát hoàn toàn thì mới tính chuyện thả nuôi. Cũng bị thiệt hại bởi dịch ASF, bà Châu Thị Hải, chủ trại heo nuôi bình quân 600 con heo thịt ở huyện Trảng Bom nói rằng, những người chăn nuôi nhỏ như gia đình bà muốn chăn nuôi tiếp chỉ còn hợp tác với các công ty lớn để thay đổi cách nuôi thì mới mong thoái được thua lỗ. “Khi kiểm soát được con giống, thú y, chuồng trại được vệ sinh đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật thì mới nghĩ đến tái đàn bằng không thì dùng chuồng heo để thả gà công nghiệp”, bà Hải chia sẻ.
Giải pháp lâu dài để thanh toán bệnh ASF tại Việt Nam và người chăn nuôi tổ chức lại sản xuất an toàn, ông Kiều Minh Lực - Phó Tổng giám đốc phụ trách di truyền giống Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – đánh giá, trước mắt các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng nhận thức dịch ASF không liên quan đến an toàn thực phẩm để ổn định sản xuất và thị trường. Cùng với đó các cơ quan hữu quan cần làm tốt khâu tiêu hủy heo chết, cho giết mổ và lưu thông sản phẩm heo tại địa phương, không cho vận chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh nếu không có phiếu xét nghiệm âm tính về ASF. Công tác phòng chống dịch bệnh ASF như sử dụng vôi, thuốc sát trùng, nhập nguồn heo giống âm tính, xử lý thức ăn thừa, nước thải nhà bếp và các biện pháp an toàn sinh học khác; không vứt xác lợn chết xuống sông, suối, ao, hồ để virus không có chỗ cư trú cần pahir được kiểm soát chặt chẽ.
 
Về chăn nuôi, ông Lực cho rằng, phương pháp tốt nhất là phòng vệ ngay từ con giống , kể cả nhập khẩu những cá thể khỏe mạnh, sạch bệnh; khâu chăn nuôi cần thực hiện khép kín từ chọn giống, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát thú y, kiểm soát thức ăn, tổ chức thu mua, giết mổ, bảo quản, phân phối theo phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại.


Baocongthuong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường