Nấm fusarium R4T gây bệnh Panama và có thể tồn tại trong đất tới 30 năm bằng cách tấn công rễ của cây chuối, mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ ba của Colombia sau cà phê và hoa.
Trường hợp bùng phát khả năng là bệnh héo rũ hại chuối Panama được phát hiện ở 150 ha diện tích đất trồng chuối ở vùng La Guajira, phía đông bắc gần biên giới với Venezuela.
Colombia là một trong những nhà xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, sau Ecuador, Costa Rica và Guatemala.
"Đây là một loại nấm ảnh hưởng đến các đồn điền chuối. Nó ngăn chặn quá trình quang hợp", Bộ trưởng Nông nghiệp Colombia, ông Andres Valencia trả lời báo chí. "Chúng tôi đã cách ly một số trang trại ở La Guajira".
Hiệp hội chuối Magdalena và La Guajira cho biết xuất khẩu chuối sẽ không bị ảnh hưởng, theo Reuters.
"Mặc dù chưa xác nhận điều đó, chúng tôi nhưng đưa ra cảnh báo này để tăng cường các biện pháp an ninh", ông Deyanira Barrero, quản lí Viện Nông nghiệp Colombia, nói.
Ông cho biết thêm kết quả cuối cùng dự kiến được công bố vào tháng 8.
Năm 2016, Colombia bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của nấm Panama do sự di cư bất hợp pháp của người dân từ châu Á và châu Phi, cũng như sự suy giảm kiểm soát vệ sinh ở Venezuela.
Colombia có 50.000 ha diện tích đất trồng chuối, tạo ra khoảng 30.000 việc làm trực tiếp. Quốc gia Nam Mỹ đã xuất khẩu hơn 100 triệu hộp chuối trong năm 2018 trị giá 859 triệu USD, chủ yếu sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Vào giữa thế kỷ 20, một số chủng chuối ở châu Mỹ Latinh và Caribbean đã bị nhiễm nấm và phải được thay thế bằng các loại kháng nấm tốt hơn.