Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây ngoại ngày càng rẻ, cherry chỉ còn 250 - 300.000 đồng/kg
05 | 08 | 2019
Nhiều loại trái cây ngoại như cherry, blueberry hay nho... từng xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng hàng "xách tay" giá cả triệu đồng/kg nhưng giờ chỉ còn vài trăm ngàn đồng, được nhập khẩu chính hãng bằng máy bay, đi thẳng từ nhà vườn đến siêu thị.
Người dân mua cherry tại một siêu thị ở Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

 

Ngoài lý do thời vụ, theo các nhà phân phối, giá một số loại trái cây của Mỹ giảm do không xuất sang Trung Quốc dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung, chất lượng trái giảm sút do ảnh hưởng của bão lũ...
 
Rẻ hơn gần một nửa
 
Tại một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở quận 10 (TP.HCM), trong tủ kính chỉ còn chưa đến 10 hộp cherry đỏ, giá 280.000-380.000 đồng/kg. Bà V. - chủ cửa hàng - cho biết chỉ hơn một tuần trước đó, cherry vẫn còn bày kín tủ nhưng được khách hàng mua sạch. "Cherry Mỹ đang ở cuối mùa, tháng sau là vào mùa cherry Canada nên giá giảm" - bà V. nói.
 
Nhưng 280.000 đồng/kg chưa phải là giá thấp nhất. Tại nhiều siêu thị, khách hàng có thể mua với giá 250.000 đồng hoặc 350.000 đồng/kg với loại trái kích cỡ lớn hơn. Một cửa hàng trái cây ở Q.Tân Bình còn cho biết đang giảm giá kịch sàn, chỉ 2,05 triệu đồng/thùng cherry 9kg, 249.000 đồng/kg nếu mua lẻ, thậm chí kèm với việt quất giá chỉ 59.000 đồng/kg.
 
Đây là những trái cây được quảng cáo là được chở thẳng từ nhà vườn nước ngoài ở Mỹ về Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ khi được thu hoạch, đảm bảo tươi, ngon. Tại các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ thông tin các loại trái cây nhập khẩu như cherry, việt quất... đang được bày bán tại các siêu thị như Big C, Vinmart, Emart với giá chỉ từ 299.000 đồng/kg.
 
"Giá trái cây ngoại cao hơn trái cây trong nước nhưng chất lượng xứng với giá tiền, ăn ngon, nhiều vitamin, mọng nước và rất ít hạt so với các loại trái cây Việt Nam" - cô Quỳnh Nga (quận 10) cho biết. Không chỉ cherry hay blueberry, người tiêu dùng còn được giới thiệu nhiều loại táo nhập khẩu từ Pháp, Chile... với giá chỉ từ 40.000 đồng/kg.
 
Ghi nhận tại các cửa hàng trái cây nhập khẩu ở TP.HCM, các loại trái cây thu hoạch quanh năm như táo Queen (New Zealand) giá 120.000 đồng/kg, táo Kinsei (Nhật Bản) giá 290.000 đồng/kg, lựu Peru giá 300.000 đồng/kg, dưa lưới Nhật Bản giá 330.000 đồng/kg... cũng được bày bán phổ biến và trở nên ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các cửa hàng, người tiêu dùng chủ yếu mua táo, dâu... hoặc các loại quả lạ, không trồng được tại Việt Nam như cherry, việt quất.
 
Theo các siêu thị, ở mức giá hiện nay, tình hình tiêu thụ cherry khá tốt. "Vào các ngày cuối tuần, chúng tôi phải châm hàng liên tục để không bị trống quầy. Nếu so với trái cây nội, giá các loại này khá cao nhưng nếu so với giá của loại này năm trước thì giá rẻ hơn 2/3" - nhân viên một siêu thị cho biết.
 
Xốc lại thị trường nội địa
 
Ngoài cherry, theo các nhà kinh doanh, một số trái cây nhập từ Mỹ đang vào vụ và bắt đầu giảm 100.000 - 200.000 đồng/kg với việt quất, giảm 50.000 đồng/kg với nho xanh nên lượng tiêu thụ tăng. "Giá giảm nên không chỉ phân khúc khách hàng cao cấp, mà khách hàng có thu nhập trung bình vẫn có thể mua được các sản phẩm trái cây ngoại nhập" - chị Vy, nhân viên một cửa hàng trái cây, chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Đình Mười - phó tổng giám đốc Vina T&T Group - cho biết việc một số trái cây ngoại tăng tốc vào Việt Nam gần đây là kết quả của hội nhập, quan hệ đối lưu hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Chẳng hạn, để cho xoài Việt vào thị trường Mỹ, phía VN cũng phải mở cửa cho nông sản, trái cây Mỹ tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề là doanh nghiệp nào tận dụng tốt cơ hội để phát triển thị trường.
 
"Đến nay mới có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được Mỹ mở cửa cho vào, trong đó một số loại trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng phản hồi tích cực" - ông Mười nói. Đồng thời cho rằng sự đổ bộ của các loại trái cây ngoại và được người tiêu dùng Việt ưa chuộng dù giá cao buộc doanh nghiệp Việt Nam phải suy nghĩ lại, bỏ dần tâm lý bán hàng xôn, hàng đổ đống.
 
Một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây như xoài, nhãn, vải, chôm chôm... đã bắt đầu đầu tư các hệ thống cửa hàng hoặc giới thiệu hàng xuất khẩu vào siêu thị với những sản phẩm có quy cách đóng gói, chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu nhưng có mức giá tốt dành cho người tiêu dùng nội địa.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI, trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang nâng cao hàng rào kiểm dịch, siết nhập khẩu nông thực phẩm từ Việt Nam, việc chăm chút cho chất lượng hàng hóa tại thị trường nội địa sẽ dần thay đổi về hình ảnh trái cây Việt trong mắt người tiêu dùng, giảm thiểu được rủi ro cho chính doanh nghiệp.
 
Thống kê của Cục Hải quan TP.HCM cho biết tính đến ngày 18-7, ước tính có 800 tấn cherry được nhập và thông quan qua các cảng của TP.HCM, trong đó cherry nhập từ Mỹ áp đảo với khoảng 349 tấn, giá trị 2,81 triệu USD.
 
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, cherry Úc tăng nhanh hơn. Trong năm 2018, chỉ có khoảng 305 tấn cherry Úc được nhập vào Việt Nam nhưng chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm nay, con số này là 250 tấn.


Báo cáo phân tích thị trường