Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người trồng hồ tiêu Campuchia gặp khó do cung vượt cầu
13 | 08 | 2019
Hồ tiêu Kampot, một trong những sản phẩm hàng đầu của Campuchia, đang chịu áp lực do nguồn cung dư thừa khiến nông dân từ bỏ sản xuất.

Ông Nguon Lay, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot (KPPA), cho biết sản lượng hồ tiêu đã liên tiếp tăng hàng năm mặc dù khối lượng đơn đặt hàng vẫn giữ nguyên.

Chính điều này đã tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung.

Trong năm 2017, xuất khẩu hồ tiêu hàng năm của Campuchia là khoảng 70 tấn trong khi tổng sản lượng đạt 102 tấn. Nông dân chỉ có thể bán một phần trong tổng sản lượng họ sản xuất được, theo The Phnom Penh Post.

"Hạt tiêu của chúng tôi đã bão hòa, ít được bán trên thị trường và sản xuất cũng đã vượt quá nhu cầu. Bây giờ, chỉ có nông dân sản xuất qui mô nhỏ và các công ty lớn tiếp tục nỗ lực canh tác", ông nói thêm.

Theo ông Lay, mùa thu hoạch hạt tiêu diễn ra từ tháng 1 - tháng 6 hàng năm và tính đến tháng 7/2019 vừa rồi, mùa vụ cũng không mở rộng thêm.

Hiện tại, hầu hết công ty từng mua tiêu từ nông dân đều có trang trại trồng tiêu riêng. Họ sẽ chỉ mua từ nông dân nếu cần thiết, ông Lay cho hay.

Hạt tiêu Kampot được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trao chứng nhận chỉ dẫn địa lí (GI) vào năm 2010, hiện có diện tích canh tác 250 ha, độc quyền ở các tỉnh Kampot và Kep.

Tuy nhiên, ông Pok Ly, một nông dân 70 tuổi, với kinh nghiệm trồng tiêu hơn 20 năm, cho rằng công nghệ kém là yếu tố chính buộc nông dân phải từ bỏ vụ mùa.

"Nhiều nông dân sản xuất qui mô nhỏ và chủ trang trại lớn đã bỏ cuộc, một phần vì thiếu công nghệ. Họ không muốn từ bỏ nhưng vì luôn thất bại trong sản xuất, họ không còn cách nào khác", ông nói.

Ông Ly cho biết tính đến tháng 6 năm nay, ông chỉ có thể bán được hơn 1 tấn hạt tiêu. 

Hiện tại, ông vẫn còn hơn 4 tấn tại nhà, sẽ rất khó tiêu thụ. Nhưng ông dự định sẽ cố gắng bán đủ để bù đắp chi phí đã bỏ ra.

Tuy nhiên, giá hạt tiêu Kampot vẫn ổn định. Hạt tiêu đen được bán với giá 15 USD/kg, giá hạt tiêu đỏ là 25 USD/kg và giá hạt tiêu trắng là 28 USD/kg, theo ông Lay.

Ông Hyn Piseth, phó giám đốc điều hành tại Confirel Co, một nhà xuất khẩu và sản xuất hạt tiêu của Campuchia, cho biết việc làm giả thương hiệu hồ tiêu là một trong những lí do chính khiến người mua không tin tưởng vào sản phẩm của họ.

EU là thị trường tiêu thụ chính của hạt tiêu Campuchia, chiếm tới 50%. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 20% và thị trường nội địa chiếm 30%.

Thành viên của KPPA đã tăng từ 387 gia đình trong năm 2017 lên 440 trong năm nay trong khi các nhà phân phối tiêu tăng từ 21 lên 35 công ty.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường