Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lâm Đồng xây dựng thương hiệu sầu riêng để xuất khẩu
27 | 08 | 2019
Sầu riêng của Lâm Đồng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch - hình thức nhập khẩu đang bị nước này thắt chặt. Do đó, để phát triển bền vững cây sầu riêng, huyện Đạ Huoai đã xây dựng thương hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai".

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch

Theo Báo Lâm Đồng, những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân trong tỉnh rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. 

So với cây công nghiệp truyền thống khác như cà phê, hồ tiêu, chè,… thì sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trở thành nhu cầu cấp thiết nhất.

Khi sản phẩm sầu riêng sản xuất ra nhiều, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết thì con đường xuất khẩu là cứu cánh cho không chỉ thương lái mà còn cả những người nông dân.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Bà Phạm Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm), cho biết trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu qua Trung Quốc 500 tấn sầu riêng. 

Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam qua Trung Quốc chưa thực hiện được bằng đường chính ngạch, nên công ty thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.

Thế nhưng, hiện nay Trung Quốc đang thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng sang đường tiểu ngạch, nên vừa qua công ty bị tắc nghẽn 10 container sầu riêng tại cửa khẩu Lào Cai.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư và Hợp tác quốc tế (Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng) cho biết hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng.

Xây dựng thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai

Trước những yêu cầu từ thực tiễn, huyện Đạ Huoai đã xây dựng được nhãn hiệu độc quyền "Sầu riêng Đạ Huoai".

Đồng thời, huyện khuyến khích người dân trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng công nghệ cao, VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và giá trị kinh tế.

Theo UBND huyện, sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở Đạ Huoai bắt đầu phát triển từ năm 2014. 

Hiện toàn huyện có 327 ha sầu riêng công nghệ cao, trong đó 327 ha ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động; đã có 3 mô hình (1,7 ha) áp dụng đồng bộ công nghệ tưới phun tự động kết hợp bón phân và phòng trừ sâu bệnh tự động điều khiển bằng smartphone...

Sau hơn ba năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai", đến nay toàn huyện có 228 hộ với diện tích 325 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 2019 khoảng 5.000 tấn.

Trong đó 3.200 tấn có gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai".

Ông Phạm Quang Chiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết hiện nay huyện Đạ Huoai có khoảng 3.400 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 1.830 ha, năng suất bình quân năm 2019 là 12 tấn/ha, sản lượng đạt trên 21.700 tấn.



Báo cáo phân tích thị trường