Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công - tư 'bắt tay' nâng giá trị ngành nông nghiệp: Vì sao vẫn khó?
23 | 08 | 2019
Thực hiện PPP không chỉ góp phần tăng cường tính liên kết, gia tăng giá trị gia tăng và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, song số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít.

Mới đây, một dự án nông nghiệp đầu tiên nhằm chia sẻ kỹ thuật và kiến thức theo hình thức PPP được thực hiện tại tỉnh Hậu Giang. 

Doanh nghiệp ưu tiên hợp tác PPP

Theo đó, dự án nhằm tăng cường thương mại hóa chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng cạnh tranh của ngành rau quả.

Trong khuôn khổ dự án này, sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng tính bền vững của các hợp tác xã rau quả. Đồng thời, dự án cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong việc trồng rau quả an toàn, thu gom và bảo quản sản phẩm.

Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng một tổ hợp dịch vụ nông nghiệp, phòng thí nghiệm và chợ đầu mối tại huyện Châu Thành A. Ngoài ra, nhằm tăng cường về mặt kỹ thuật, dự án đồng thời cung cấp các khóa đào tạo thực hành nông nghiệp tốt và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Được biết, Dự án án này sẽ nhận được tài trợ từ Ngân hàng ADB.

Theo chia sẻ ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang: "Dự án không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, người dân mà còn góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp".

Trước đó, cũng tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, khác với Hậu Giang, tại An Giang, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã sớm cùng cơ quan nhà nước cấp địa phương cung cấp các dịch vụ khuyến nông cho các hộ nông dân theo mô hình “cánh đồng liên kết” và “cánh đồng mẫu lớn” để phát triển sản xuất ngành lúa gạo theo hướng xuất khẩu.

Với các dự án sản xuất thử nghiệm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng ruồi cho cây ăn trái.

Từ năm 2009, Viện này đã ký hợp đồng thương mại hóa kháng ruồi với công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Tiền Giang để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Từ nguồn thuốc do Viện cung cấp, công ty Bảo vệ thực vật Tiền Giang đã đóng chai, nhãn mác và thương mại hóa sản phẩm qua hệ thống phân phối của mình. Với số tiền thu được từ thương mại hóa, SOFRI đã hoàn trả được phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và tiếp tục khai thác sản phẩm này.

Cũng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, SOFRI đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống thanh long mới có năng suất, chất lượng cao và ký hợp đồng mua bản quyền sử dụng loại giống này với một doanh nghiệp tư nhân để sản xuất và xuất khẩu thanh long tới một số thị trường. SOFRI cũng đã có nhiều thành công trong cung cấp dịch vụ khuyến nông cho các hộ nông dân trồng thanh long theo hợp đồng với doanh nghiệp.

Không chỉ các đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp trong nước mà ngay cả doanh nghiệp nước ngoài họ cũng đã xác định việc lựa chọn mô hình hợp tác PPP để triển khai hợp tác khi gia nhập thị trường Việt Nam. Như, doanh nghiệp Hàn Quốc CJ CheilJedang (Hàn Quốc) khi gia nhập thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo doanh nghiệp này, mô hình PPP đã và đang trở thành lựa chọn tất yếu của Tập đoàn này khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

Chưa hết, "đầu tư theo hình thức PPP trong nông nghiệp sẽ giúp mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà đầu tư - nhà nông được bền chặt dựa trên lợi ích, 3 bên cùng hưởng lợi. Mặt khác, thông qua PPP, doanh nghiệp cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm xã hội của mình với người nông dân và chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng", đại diện doanh nghiệp CJ CheilJedang chia sẻ.

Quy mô liên kết còn nhỏ lẻ

Lợi ích đã thấy rõ, tuy nhiên, có một thực tế đó là, những dự án triển khai theo mô hình PPP như vậy trong ngành nông nghiệp chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết còn hạn chế vì vậy, quy mô của liên kết theo ngành hàng còn nhỏ lẻ.

Theo thông tin từ Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), các dự án PPP tại các địa phương hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa có sự phối hợp giữa nhiều công ty cùng thực hiện dự án. Nhiều nhóm ngành hiện chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhằm giải quyết vấn đề chung của ngành hàng.

Ví dụ như, mối liên kết thực hành nông nghiệp tốt trồng khoai tây tưới nước phụn sương tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Lâm Đồng. Mặc dù, năng suất tăng từ 7 - 8 tấn/ha năm 2007 lên 22 tấn/ha năm 2017, diện tích dự án từ 55 ha năm 2010 lên 455 ha năm 2017 với 580 hộ được PepsiCo hỗ trợ..., nhưng số lượng thành viên tham gia nhóm liên kết này còn ở quy mô nhỏ, mới chỉ tập trung ở khoai tây, ngô mà chưa mở rộng ra các ngành hàng khác, tỉnh, thành khác và các công ty khác. Trong khi đó, ngành rau quả rất có tiềm năng phát triển với giá trị xuất khẩu không ngừng tăng nhanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi tham gia vào liên kết hoặc chủ động xây dựng liên kết để thực hiện PPP thì bản thân các doanh nghiệp cũng gặp phải thách thức về vốn. Bởi, để đầu tư một hệ thống sản xuất chế biến đã rất khó khăn, tốn kém, nếu đầu vào không ổn định thì doanh nghiệp không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đề xuất, khu vực công cần tăng cường phối hợp tổ chức các buổi đối thoại hợp tác PPP, vận động chính sách, liên kết các nhà tài trợ giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật, cách thức thực hiện hiệu quả, làm cầu nối giữa các bên.

Ngoài ra, "địa phương cần tham gia chặt chẽ hơn, hỗ trợ người nông dân cam kết phát triển bền vững cùng doanh nghiệp, tránh tình trạng nông dân bỏ doanh nghiệp, bán sản phẩm cho thương lái khi giá lên cao; không phá bỏ cây trồng, vật nuôi khi giá rẻ...", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường