Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiểm soát nông sản ngoại nhập khẩu
22 | 12 | 2009
Theo Tổng cục Hải quan, càng gần cuối năm, các loại mặt hàng nông sản nhập khẩu tại các cửa khẩu: Lào Cai, Tân Thanh, Móng Cái ồ ạt tràn vào nội địa, khiến việc kiểm soát chất lượng của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Ban quản lý cửa khẩu Lào Cai cho biết, gần đây, trung bình mỗi ngày đang có khoảng 400 tấn nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày cũng có khoảng 100-150 tấn nông sản từ Trung Quốc nhập về, chưa kể hàng trăm tấn nông sản “chảy” vào nước ta theo hình thức biên mậu của cư dân hai bên biên giới xé lẻ để xách tay, gùi thồ . Trong số 27 loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc thì quýt, táo, cam và lê là 4 loại quả chiếm tỷ trọng cao nhất, 87,5% tổng kim ngạch. Rau quả thì chủ yếu là cà chua, khoai sọ, khoai tây, tỏi, cải bắp, cải bao, củ cải...

Lý giải về tình trạng nông sản ngoại chiếm lĩnh thị trường nội địa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, tình hình nhập khẩu rau củ lại tăng đột biến là do cả miền Bắc đang hạn hán, khả năng nước tưới phục vụ gieo trồng vụ Đông không đủ nên rau thiếu nhiều. Còn ở miền Nam do mùa mưa bắt đầu sớm, nên nhiều nơi, diện tích rau xanh đã bị dập nát 40-50% không có khả năng cho thu hoạch. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng quýt, táo, lê Trung Quốc của người tiêu dùng có xu hướng gia tăng bởi tâm lý giá rẻ, nhất là các vùng nông thôn, tỉnh lẻ…

Điều đáng nói, trong các lô nông sản nhập vào nội địa, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu đã phát hiện được một số mẫu cà chua có chứa chất alatoxin, là một chất rất độc hại, cấm sử dụng. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua đã rất quan tâm đến ATVSTP, nhưng hiện nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn chưa an toàn, trong đó lo ngại nhất là những mặt hàng đưa theo đường tiểu ngạch. Đối với các loại trái cây đường hóa nhanh như: táo, lê, vải, quýt… người ta cho vào các dung dịch sát khuẩn để khử nấm men để bít khoảng 70% lỗ hô hấp trên bề mặt trái cây bằng các chất sinh học, tạo thành một lớp màng bao phủ bên ngoài vỏ quả. Mỗi loại trái cây có cách xử lý và sử dụng các loại thuốc, dung dịch riêng để giữ màu tươi lâu. Sau khi ngâm trong dung dịch, nếu bảo quản tốt, chống trầy xước sẽ giữ được 60 ngày. Điều này lý giải vì sao một số cam, quýt của Trung Quốc khi đến tay người tiêu dùng, để được hàng tháng vẫn tươi, nhưng khi ăn lại rất dở.

Hàng rào kỹ thuật: Biện pháp tốt nhất

Nông sản ngoại tràn vào sẽ góp phần làm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả. Tuy nhiên, khâu đảm bảo an toàn về chất lượng trong khi cơ chế quản lý và không đủ thiết bị để kiểm tra, kiểm soát lại đang là vấn đề quan tâm của các lực lượng chức năng. Nhiều chuyên gia lý giải rằng, sở dĩ tồn tại tình trạng quản lý yếu kém, để nhiều kẽ hở như hiện nay là do sự chồng chéo về trách nhiệm giữa cơ quan liên quan như nông nghiệp, hải quan, công an, quản lý thị trường, y tế…

Cục phó Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN &PTNT) cho rằng, về lý thuyết việc kiểm dịch rau quả nhập khẩu thuộc nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT, nhưng Bộ Y tế lại quyết định về công tác vệ sinh thực phẩm và dựng hàng rào kỹ thuật. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện thí nghiệm chất lượng nông sản tại các cửa khẩu lại do 2 bộ quản lý, thực trạng này dẫn đến việc chồng chéo, gây khó cho cán bộ thực hiện. Vì vậy, nên xây dựng một phương án cụ thể để hạn chế và quản lý tốt nông sản nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó trọng tâm là việc dựng hàng rào kỹ thuật.
Để ngăn chặn nông sản ngoại tràn vào nội địa (bằng việc kiểm soát chất lượng) mà vẫn đảm bảo cho nông sản nội bán ra nước ngoài, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - khẳng định, về lâu dài, biện pháp vẫn là phải lập hàng rào kỹ thuật, nhưng chúng ta sẽ thực hiện theo thông lệ quốc tế, nghĩa là có thời gian để đối tác nước ngoài chuẩn bị đón nhận, song song với việc không ngừng nâng cao chất lượng của nông sản nội để tránh các rủi ro trong xuất khẩu. Trước mắt, Bộ NN &PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng rà soát lại các văn bản quản lý để sửa đổi, ban hành lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm siết chặt hơn các loại nông sản nhập khẩu. Các đơn vị có liên quan như Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần nỗ lực vào cuộc hơn để cả hệ thống cùng bắt tay kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường