Khẳng định điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng cho biết các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm.
Để xảy ra tình trạng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh kém chất lượng tràn lan trong thời gian qua, xin Thứ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu vào nước ta chưa được quy định đầy đủ, đặc biệt đối với hàng phủ tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm. Thông tư 17/2003/TTLT-BNN&PTNT- BTS cho phép thông quan trước kiểm dịch sau, vì vậy các doanh nghiệp đã lợi dụng đưa hàng về kho nội địa, gây khó khăn cho việc kiểm tra, thậm chí có doanh nghiệp bán hàng ra ngoài thị trường trước khi được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ngành thú y được giao trách nhiệm kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu, nhưng lực lượng hiện nay quá mỏng, số lượng doanh nghiệp kinh doanh nhiều mà nhân viên kiểm tra lại ít. Chỉ riêng một kho của một doanh nghiệp đã cần đến 20 nhân viên mới làm hết, trong khi cơ quan chức năng chỉ có 4 - 5 người. Theo quy định của Nhà nước là hạn kiểm tra tối đa trong vòng 7 ngày, nhưng thực tế phải mất hơn 10 ngày mới có thể kiểm tra được các lô hàng nghi nhiễm khuẩn.
Việc chưa có một hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, dẫn đến tình trạng quá dễ dãi đối với những sản phẩm động vật nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Nếu cơ quan thú y không phanh phui những vi phạm trong nhập khẩu thịt, thì người tiêu dùng cứ lầm tưởng rằng sản phẩm nhập khẩu tốt hơn hàng trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp nào để kiểm soát được chất lượng thực phẩm nhập khẩu?
Ngay sau khi phát hiện tình trạng nhập khẩu tràn lan thực phẩm kém chất lượng, Cục Thú y đã ra một số văn bản chỉ đạo tiêu huỷ những sản phẩm này, khiến một số doanh nghiệp phản ứng. Nhưng tôi đồng tình với cách giải quyết của Cục Thú y, vì sức khoẻ người tiêu dùng, cần phải xử lý nhanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bàn bạc với Bộ Y tế trước khi báo cáo lên Thủ tướng về việc siết lại quy định trong nhập khẩu đông lạnh, chắc chắn không thể để tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong thịt đông lạnh nhập khẩu tiếp diễn.
Bộ cũng giao trách nhiệm cho Cục Thú y, Cục chăn nuôi, và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chuẩn, quy định, chất lượng các sản phẩm nhập khẩu. Sẽ có những quy định đòi hỏi thịt nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn như phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu. Chúng ta sẽ kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến tại nước xuất khẩu, nếu đạt yêu cầu thì mới cấp chứng nhận cho phép họ đưa thịt vào Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước muốn nhập khẩu cũng phải đạt các tiêu chuẩn, phải có kho lạnh, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ tại các kho hàng 2-3 tháng/lần.
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng sản phẩm trong nước chưa đủ sức thu hút người mua, nên thịt ngoại mới có cơ hội "lộng hành" như vậy, thưa ông?
Đúng là thực phẩm nội địa chưa tạo được niềm tin tưởng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải có quyền lựa chọn sản phẩm, nhưng rất tiếc là nguồn thực phẩm sạch chiếm tỷ lệ quá ít. Mình muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng hàng trong nước chưa ra gì, khiến người tiêu dùng tìm đến hàng ngoại, trước tiên phải tự trách ngành chăn nuôi trong nước. Chất lượng thịt trong nước chưa đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều khâu còn vướng mắc. Một phần do cơ chế chính sách, phần vì kiểm soát dịch bệnh chưa tốt, kiểm dịch chưa nghiêm, giết mổ vẫn phổ biến nhỏ lẻ không kiểm soát.
Vấn đề "sống còn" là phải nâng cao chất lượng thực phẩm sản xuất trong nước, tiến tới tất cả sản phẩm thịt lưu thông trên thị trường đều phải đóng dấu kiểm dịch, rau quả nội địa phải được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ở Hà Nội, hầu hết các lò mổ đã và sẽ bị đình chỉ hoạt động, trong khi các khu giết mổ tập trung lại vẫn "nằm trên giấy". Tới đây, sẽ giết mổ gia súc ở đâu, thưa ông?
Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ ngay tại chợ cóc, chợ tạm vẫn xảy ra phổ biến, nhất là tại địa bàn thành phố Hà Nội. Vấn đề này không nên chỉ đổ lỗi cho ý thức chấp hành pháp luật của những người kinh doanh gia súc, gia cầm. Cả 7 dự án xây dựng khu giết mổ tập trung ở Hà Nội đều triển khai quá chậm so với kế hoạch, chưa biết khi nào mới có dự án đầu tiên được hoàn thành. Đặc biệt, Dự án xây dựng chợ gia cầm sống ở Hà Vĩ được khởi công cách đây 2 năm, tiền do WB tài trợ cho không, đây là dự án chợ kiểu mẫu thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, hầu hết các tỉnh từ Hà Tĩnh vào đến miền Nam đều đã xây dựng các lò giết mổ tập trung, nhưng các tỉnh miền Bắc làm chưa tốt, đặc biệt Hà Nội kém nhất, trách nhiệm thuộc về chính quyền Hà Nội. Địa phương nào có chính sách hỗ trợ cho những lò giết mổ tập trung, giá thành giết mổ tập trung bằng với giết mổ tự do, thì dĩ nhiên những người giết mổ tự do không tồn tại được, họ sẽ phải tự giải tán.