Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ST25 là Sóc Trăng 25: Cơ hội vàng cho gạo Việt, nhưng mua ở đâu?
18 | 11 | 2019
Đó là một hành trình 20 năm của kỹ sư Hồ Quang Cua với nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST). Hạt ngọc ấy thì ra bán đầy ở VN.. Sóc Trăng, giá mỗi bọc 5kg 100.000 đồng, Cần Thơ 120.000 đồng... Nhiều bà con Hà Nội 'mê tít'...

Nhân sự kiện gạo ST25 được vinh danh là 'gạo ngon nhất thế giới', nhiều người cho rằng đây là cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngay khi vừa trở về từ Philippines, kỹ sư Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ giống gạo ST25 vừa được vinh danh "gạo ngon nhất thế giới" - đã dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn với nhiều kỳ vọng phát triển gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Cua nói:

- Để có gạo ngon nhất thế giới ST25, đó là hành trình dài, rất dài. Nếu lấy cái mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm.

“Hiện nay có tình trạng giống lúa giả, giống lúa bị nhái, vi phạm nhãn hiệu bảo hộ tràn lan khắp ĐBSCL và cả miền Đông Nam Bộ đã dìm giá cả và giá trị hạt gạo VN xuống tầm thấp của thế giới. VN chỉ có thể xây dựng thương hiệu gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống.

Kỹ sư Hồ Quang Cua

Đã có gạo thơm Việt Nam ngon quanh năm

* Hành trình đó dài như thế nào, từ khi phôi thai tới khi được công nhận là ngon nhất thế giới?

- Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST) được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay.

Việc lai tạo giống của chúng tôi tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế), Thái Lan, Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ (ST20 có 7 bố mẹ) và đến ST24, ST25 còn nhiều hơn...

Mãi đến năm 2004 mới có tổ hợp lai chọn ra được giống tốt và phóng thích năm 2009, sau đó được công nhận, đoạt giải thưởng Bông lúa vàng. Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, đến năm 2014 thì ổn định và khảo nghiệm, rồi đến năm 2016 xong. 

Năm 2017, giống lúa ST24 đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng, và đến cuối năm đó giống này lọt vào top 3 thế giới trong một sự kiện tổ chức tại Macau (Trung Quốc). 

Năm 2018, giống này lại đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Philippines, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.

* Việc gạo ST25 đoạt giải "gạo ngon nhất thế giới" có được xem là thành công ngoài mong đợi của Việt Nam không, thưa ông?

- Là người có quan hệ với đồng nghiệp Thái Lan trên 20 năm qua, tôi có nhiều dịp để so sánh phẩm chất gạo của hai nước. Từ khởi thủy mới lai tạo chúng tôi đều lấy gạo Thái Lan làm chuẩn mực để vươn tới. 

Thông qua kết quả các kỳ thử cơm tại chỗ cũng như đối chiếu các chỉ tiêu hóa sinh giữa nhóm giống lúa, chúng tôi không mặc cảm thua kém họ và tôi cho rằng thời cơ đến chúng tôi sẽ vượt họ. 

Ngày 12-11-2019, chúng tôi đã được trọng tài chứng thực là đã vượt họ. Kể từ nay về sau người sành ăn gạo thơm ngon trên thế giới có thể tìm gặp gạo thơm ngon quanh năm "made in Vietnam", chứ không chỉ ngon nửa năm đầu, nửa năm sau mất mùi, ráo cơm như trước.

 - Ảnh 3.

Nông dân cấy giống lúa ST tại cánh đồng của ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng (ảnh chụp sáng 15-11) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cần sớm ban hành danh mục giống lúa

* Theo ông, liệu đây có là cơ hội mở ra cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam vốn đang gặp khó?

- Tôi cho rằng việc gạo ST25 đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên giành được thứ hạng cao nhất trên thế giới là cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam. Thái Lan từ lâu đã xây dựng chuẩn mực cho gạo thơm quốc gia và các chuẩn mực này đã được nâng lên 3 lần trong 20 năm qua. 

Hiện độ thuần của gạo Thái Lan tối thiểu là 92% chứ không phải chỉ 75% như trước đây, song song đó là chính sách hỗ trợ của chính phủ để có nguồn giống cung ứng đúng chuẩn cho nông dân. 

Giải pháp hỗ trợ khác là mua sắm trang thiết bị đắt tiền để phân tích độ thuần và cấp chứng thực xác nhận cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình bằng những kỹ năng riêng theo những quy chuẩn nhà nước đã ban hành và nếu phù hợp, nhà nước cho phép mang thương hiệu quốc gia.

Đối với ngành gạo, Nhà nước Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và quản lý thương hiệu gạo thơm nên chúng ta cần xúc tiến nhanh, tránh việc tự phát, hiểu sai, làm sai dần dần trở thành khó sửa và mất đi cơ hội bứt phá khỏi nhóm gạo giá rẻ.

 - Ảnh 4.

Kỹ sư Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Hiện nay các giống lúa ST, đặc biệt là ST25, có thể mở rộng cho người dân ĐBSCL sản xuất chưa, thưa ông?

- Hiện giống ST25 chưa sẵn sàng đưa ra sản xuất vì đang trong quá trình chờ Bộ NN&PTNT xét các thủ tục công nhận nên tôi chưa nhân giống đại trà. Hiện tại chủ yếu tôi chỉ sản xuất thử để lấy phẩm chất. 

Nếu muốn nhân giống thì có thể phải tới mùa vụ đông xuân năm sau. Còn giống ST24 và các giống ST khác bất cứ ai có nhu cầu đều có thể liên hệ để được cung ứng.

* Sắp tới, ông sẽ làm gì để các loại gạo ngon nhất thế giới đến được nhiều hơn với người tiêu dùng?

- Tôi nghĩ việc gạo thơm cấp cao của Việt Nam phát triển chậm là có lý do, nhưng không phải chậm mà chúng ta phát triển nóng làm cho việc tiêu thụ không phát triển kịp sản xuất. Người thu nhập thấp không bao giờ chọn gạo thơm để ăn thường xuyên. 

Về phương diện tâm lý, người nông dân sẽ không trồng lúa thơm nữa nếu giá cả không thỏa mãn mong ước của họ. Vì vậy, cần có những đóng góp của nhiều thành phần công, tư phối hợp để nâng tầm gạo Việt. Chúng tôi chỉ là người chọn giống, chỉ đủ sức giải quyết một nhánh nhỏ của vấn đề.

* Riêng ông có đề xuất gì với ngành nông nghiệp Việt Nam?

- Tôi đề xuất Bộ NN&PTNT cần ban hành danh mục giống lúa để xây dựng thương hiệu quốc gia và các quy chuẩn tương thích của từng giống. Bộ cũng cần ban hành chỉ dẫn địa lý cho từng giống, cũng như các tiêu chuẩn độ thuần của gạo để cấp quyền sử dụng thương hiệu quốc gia. 

Trên cơ sở đó, tác giả hoặc người có quyền nhận bảo hộ giống sản xuất lúa đúng quy chuẩn và duy trì các chỉ tiêu hóa sinh tốt lúc hạt giống mới được công nhận. 

Ngoài ra, Ban chỉ đạo 389 cần hoạt động kiểm soát được nạn vi phạm bảo hộ hạt giống. Còn các doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hoặc chương trình xúc tiến thương mại Bộ Công thương sẽ tổ chức marketing sản phẩm.

Mua "gạo ngon nhất thế giới" ở đâu?

* Thưa ông, người tiêu dùng nội địa muốn mua "gạo ngon nhất thế giới" của ông thì có thể mua ở đâu? Giá cả thế nào?

- Từ hai năm nay, sau khi gạo ST24 đoạt giải top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Macau, người tiêu dùng cả nước ít nhiều đều có tiếp cận loại gạo này.

Đặc biệt, thị trường Hà Nội rất ưa thích gạo này vì dạng đẹp, trắng trong, cơm thơm ngọt, rất mềm. Tại Hà Nội, dự án gạo Việt, Công ty cổ phần lương thực Thủ đô có bán loại gạo này. Đặc biệt là với phương thức gửi hàng qua bưu điện, gạo thơm được lưu hành một cách dễ dàng.

Tại Sóc Trăng, giá mỗi bọc 5kg tại các đại lý là 100.000 đồng, tại Cần Thơ là 120.000 đồng. Giá cả có chênh lệch chút ít ở các thị trường khác nhau do chi phí vận chuyển.

Đối với gạo ST25 là loại gạo mới được khảo nghiệm xong và đang trong giai đoạn thăm dò thị trường. Gạo này cũng thơm, trắng, đẹp như ST24 nhưng hạt cơm dẻ hơn, phù hợp hơn cho người trẻ tuổi.

Theo Báo Tuổi trẻ



Báo cáo phân tích thị trường