Theo khuyến cáo của các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, thời vụ thả nuôi tôm trở lại chỉ trong vòng tháng 6. Các cán bộ thủy sản trong vùng xác nhận: Vào vụ thả tôm sú dù trễ mấy đến hết tháng 6 phải ngưng. Vì nếu kéo sang tháng 7 đến tháng 8, tháng 9 chịu tác động bởi mưa dầm, thời tiết gió bão, tôm có lớn lên vẫn chưa hết khó. Như vậy thời gian còn lại trong một tháng là quá cấp tập, trong khi cùng lúc trên nhiều vùng nuôi cần lượng tôm giống rất lớn để gỡ gạc sau đợt thả giống đầu vụ bị mất trắng.
Theo Cục Thú y, ĐBSCL hiện có 486.989 ha tôm thả nuôi, nhưng đến nay có 25.338 ha tôm bị chết, chiếm 5,2% diện tích nuôi. Trong đó thiệt hại nhiều nhất là các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre lên đến hơn 21.400 ha. Riêng tại Sóc Trăng thiệt hại nặng nề, trên diện tích nuôi tôm toàn tỉnh 48.000 ha, sau khi thả giống 25.066 ha thì có tới 19.223 ha tôm chết, mất hết 2,644 tỷ con giống. Như thế nếu tính nhu cầu tôm giống để thả nuôi trở lại của 4 tỉnh trong vùng bị thiệt hại nặng vừa qua, với mật độ bình quân 15 con/m2, phải cần tới hơn 3,7 tỷ con giống. Dân nuôi tôm đã lường trước khó khăn này: Thiếu giống, dân bán tôm giống sẽ nhân cơ hội tăng giá.
Quả thật, hiện nay mua bán tôm giống ở vùng nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL bắt đầu nóng lên. Theo dự tính ban đầu của dân nuôi tôm, từ 10/6 đến cuối tháng là lúc nhu cầu thả tôm đồng loạt nên khả năng sẽ hút hàng và giá tôm giống tăng cao. Nhưng hiện thời tại Sóc Trăng tôm sú giống đã nhảy lên 65 đồng/con, tăng 20 đồng/con so với vụ tôm năm ngoái. Nhiều dân nuôi tôm đoán tình hình chưa dừng lại, nhiều khả năng giá giống có thể tăng lên 70 - 80 đồng/con.
Mặt khác, một số người nuôi tôm nhận thấy tôm chân trắng (TCT) vừa qua dịch bệnh ít, thời gian ngắn trong 3 tháng. Do đó nuôi TCT đang dấy lên cơn sốt. Một số cơ sở bán giống TCT đẩy giá lên từ 65 đồng/con lên 75 đồng/con, cỡ tôm post 10, nhỏ hơn thường đạt tới post 12. Riêng Công ty CP Bán giống TCT, tại cơ sở giá 75 - 77 đồng/con, khi đưa về tới vùng nuôi tôm Vĩnh Châu giá lên tới 80 đồng/con. Thiếu giống, giá tăng không nằm ngoài dự đoán. Song, điều lo ngại hơn hết là chất lượng con giống.
Để tìm cách khắc phục thiệt hại, đặc biệt là tìm nơi cung cấp tôm giống chất lượng tốt cho khu vực nuôi tôm công nghiệp thâm canh tập trung 2.600 ha ở Mỹ Thanh (Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Nhiệm (Bảy Nhiệm) - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh cho biết từ cuối tháng 5/2011 Hiệp hội đã bàn tính, cử ông Tám Tiền – Phó Chủ tịch hiệp hội ra miền Trung khảo sát tình hình tìm nguồn cung tôm giống chất lượng tốt. Sau một tuần trở về, ông Tám Tiền than dài: “Thật khó biết được đâu là nơi bán tôm giống tốt, bởi vì chất lượng “vàng, thau” lẫn lộn".
Thậm chí có nơi ông chạy xe ôm cũng làm con giống kêu bán. Tới nước này nếu có gặp rủi ro dân nuôi tôm miền Tây lãnh đủ. Điều này được kiểm chứng qua kết quả kiểm dịch gần đây của Cơ quan Thú y vùng VI, Cục Thú y, khi có khoảng 70 - 80% tôm sú giống bố mẹ có mang mầm bệnh đốm trắng, bệnh còi. Rõ ràng sau những tổn thất, dân nuôi tôm nhận ra một trong những biện pháp giảm thiểu rủi ro là cần có con giống khỏe, tôm sạch bệnh. Thế nhưng hiện thời có một nghịch lý, là phần lớn các tỉnh có vùng nuôi tôm ở ĐBSCL không chủ động sản xuất tự cung được tôm giống.
Như Sóc Trăng tuy có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất nước, nhưng số cơ sở sản xuất tôm giống đếm được trên đầu ngón tay. Hễ vào vụ, dân nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng, Bạc Liêu lại thuê xe, khăn gói lặn lội ra miền Trung tìm mua tôm giống. Vì vậy không riêng Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh mà nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng vừa qua kiến nghị lên tỉnh, đề xuất với Bộ NN-PTNT giúp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng một trung tâm giống để sản xuất tại chỗ, đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng thừa nhận: “Chủ động sản xuất tôm giống tại địa phương là tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu thời vụ, kiểm soát chất lượng. Thật ra trước đây ở Sóc Trăng cũng có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống. Tuy nhiên 2 - 3 năm qua, do các hộ nuôi tôm đi ra miền Trung mua con giống về nuôi đều trúng nên cho là đạt chất lượng hơn các cơ sở sản xuất giống tại địa phương. Số trại giống tôm trong tỉnh vì lẽ đó tê liệt, rơi rụng dần và hiện chỉ còn 10 cơ sở, sản lượng cung ra thị trường chừng 150 triệu tôm post chẳng thấm vào đâu".
"Sắp tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ có chính sách khuyến khích, cho thuê đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống. Chúng tôi nghĩ rằng sau mùa tôm khó nhọc năm nay, nhiều hộ dân nuôi tôm Sóc Trăng sẽ quay lại tìm mua tôm giống tại địa phương hơn là phải phiêu lưu tìm mua giống trôi nổi chất lượng không đảm bảo” - ông Khởi khẳng định.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng: “Khi mua con giống, người nuôi cần xét nghiệm để chọn con giống tốt, nhằm tránh hiện tượng nhiễm bệnh ngay từ đầu, sốc con giống bằng formol 100 - 150 ppm nhằm diệt nguyên sinh động vật bám, đồng thời cũng làm sạch nước vận chuyển từ trại giống trước khi thả xuống ao”.
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, do dịch bệnh còn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát, để chuẩn bị ao nuôi người nuôi phải xử lý nền đáy bằng CaO và diệt giáp xác; xử lý nước bằng formol để diệt protozoa (ký chủ trung gian của nhóm vi khuẩn Gamma-Proteobacteria) gây hoại tử gan tụy tôm.
Hữu Đức
Theo Báo Nông Nghiệp VN