Khi nông dân chủ động liên kết
7 năm trước, một vùng đất hơn 40 ha ở thôn 1, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) được một doanh nghiệp rao bán sau khi đầu tư cây tràm gió thất bại. Anh Trần Xuân Phái (ở thôn Tiến Thành, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) nghe tin đã đến khảo sát và nhận thấy đây là vùng đất rất phù hợp để trồng cà phê quy mô lớn với nhiều lợi thế: đất đỏ bazan màu mỡ, độ cao trung bình 750 m so với mực nước biển, nhiệt độ môi trường thấp hơn từ 2 – 3oC so với các vùng đất khác trong tỉnh.
Anh Phái đã thuyết phục, huy động người thân, bạn bè cùng góp vốn mua lại toàn bộ phần đất này rồi chia theo tỷ lệ góp vốn của từng người. 13 chủ sở hữu mới đều là những người có kinh nghiệm canh tác cà phê lâu năm ở Cư M’gar và cùng thống nhất áp dụng chung một giống, chung một quy trình canh tác để hướng đến một vùng chuyên canh cà phê tập trung về diện tích, đồng nhất về chất lượng.
Toàn bộ diện tích đều được các anh chọn giống cà phê TR4 từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên để canh tác. Các khâu cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc đều được thực hiện đồng loạt theo đúng kỹ thuật tiếp thu từ Viện và các tài liệu chăm sóc cà phê. Một số vườn được xen canh cây ăn trái phù hợp để tạo môi trường sinh thái bền vững. Để có đủ vốn đầu tư, nhiều thành viên phải thế chấp tài sản để vay ngân hàng hoặc bán bớt phần đất rẫy ở nơi khác, tập trung xây dựng vùng cà phê mới. Anh Phái cũng đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) Nông nghiệp dịch vụ Tiến Thành để ký kết mua phân bón trả chậm và liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê nhân với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ thành viên đầu tư sản xuất.
7 ha của gia đình anh Phái và diện tích cà phê của nhiều thành viên khác đều được thu hoạch theo đúng quy trình sản xuất bền vững.
Hướng đến thương hiệu cà phê đặc sản
Nhờ được đầu tư chăm sóc bài bản, kỹ lưỡng, toàn bộ diện tích vườn cà phê của các thành viên THT đều sinh trưởng tốt, sớm cho trái bói to, đều, đẹp với nhiều đặc tính vượt trội so với những giống cà phê cũ canh tác ở nơi khác. Đầu năm 2019, 13 thành viên THT thống nhất thành lập HTX, đầu tư chế biến cà phê chất lượng cao ngay tại vùng sản xuất.
Các thành viên đã góp vốn đầu tư máy bóc vỏ quả tươi, máy phân loại, lò sấy, nhà màng phơi cà phê, sân phơi bê tông… Cà phê được hái chọn quả chín ngay từ trên cây rồi đưa vào bể rửa để loại bỏ quả nổi và tạp chất. Sau đó, nhân công của HTX sẽ tiếp tục đưa cà phê vào máy phân loại quả xanh, bóc vỏ quả chín và ủ cho đến khi dậy mùi lên men tương tự như mùi rượu vang. Đây là giai đoạn quyết định sự thành bại của mẻ cà phê chất lượng cao. Chỉ những mẻ đạt yêu cầu mới được đưa vào nhà màng, phơi trên giàn cao tạo thành cà phê thóc Honey. Trước đó năm 2018, THT đã sản xuất thử nghiệm được hơn 20 tấn cà phê chất lượng cao, bán cho công ty Đăk Man với giá chênh lệnh khoảng 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Phần cà phê không đạt tiêu chuẩn chất lượng cao được bán dưới dạng nhân xô song cũng được các doanh nghiệp thu mua tại địa phương đánh giá tốt nhờ hạt to, màu sáng, độ đồng nhất cao.
Vụ thu hoạch năm 2019, ước sản lượng vườn cà phê của HTX đạt gần 200 tấn, với năng suất bình quân 5 tấn nhân/ha. HTX dự kiến sẽ sản xuất khoảng 60 tấn cà phê Honey để cung ứng cho các doanh nghiệp và đơn vị rang xay. Bên cạnh đó, HTX đang thực hiện các bước xây dựng vùng canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C, thường xuyên gửi mẫu kiểm định thành phần, hàm lượng của cà phê chất lượng cao để làm cơ sở quảng bá sản phẩm, chủ động tiếp cận nhiều nhà rang xay hơn nữa.
Ông Trần Xuân Phái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, mục tiêu trước mắt của HTX là xây dựng vùng cà phê nguyên liệu chất lượng cao thật tốt, tiến tới việc phát triển các mặt hàng cà phê đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng của vùng đất này. Sau đó, HTX sẽ hướng đến các sản phẩm tinh chế kết hợp với hình thành những sản phẩm du lịch, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho chính những người sản xuất cà phê tại đây.