Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nền tảng phát triển NN hiện đại, bền vững: Gỡ nút thắt cơ giới hóa
03 | 03 | 2020
Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng, có thể làm giàu từ nông nghiệp, tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản còn khá cao. Nguyên nhân có nhiều nhưng do cơ giới hóa còn thấp là chủ yếu.

Do đó, quan điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất được đồng tình cao.

Phân loại cà rốt tại Cty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc - Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cơ giới hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ khâu làm đất nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng 42%; khâu chăm sóc 77%; khâu thu hoạch lúa 65% và đây là tiền đề quan trọng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cơ giới hóa nông nghiệp nói chung, nhất là chế biến nông sản còn nhiều điểm yếu và hạn chế.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong vòng 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đã có những bước tiến đáng kể.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi (tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng 42%...). Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; trong đó hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.

“Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực, chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Hiện cả nước có 7.803 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.

Hơn 7.500 cơ sở chế biến bảo quản nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình được hình thành. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra.

Tuy nhiên, theo ông Cường, lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, yếu kém do phần lớn các doanh nghiệp (DN) chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ; khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ…

Về cơ giới hóa trong sản xuất, ông Cường khẳng định, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Thời gian qua, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá thực tế trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp, chưa toàn diện. Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác.

Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị đắt đỏ do phải nhập khẩu; một số khác sản xuất trong nước nhưng chất lượng thấp và không đồng bộ...

Chế biến gia tăng giá trị hàng hóa

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành và phát triển một hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có tổng công suất lên đến 800.000 tấn nguyên liệu/năm. Nhiều mặt hàng nông sản của Bà Rịa - Vũng Tàu như: tiêu, ca cao, điều, rau củ đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc chế biến nông sản đã làm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, từ đó mở đường cho thị trường xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tuy nhiên, năng lực công nghệ chế biến nông sản của tỉnh hiện mới chỉ đạt mức trung bình của thế giới.

Công nhân sản xuất tại nhà máy tinh bột sắn của Công ty TNHH Thương mại Chế biến nông - lâm sản - đường Vạn Phát, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoài Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 640 DN chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trong đó có 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Các loại nông sản được chế biến gồm: thủy sản, cao su, hạt điều, muối, nước mắm, cà phê, hồ tiêu, bánh kẹo các loại, thức ăn gia súc, gỗ và đồ gỗ... Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019 đạt 46,79 ngàn tỷ đồng, chiếm 23,72% trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến. Trong đó, công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 70,77%; công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ 1,77%; công nghiệp chế biến khác 0,48%; công nghiệp chế biến và sản xuất sản phẩm từ cao su 5,51%; công nghiệp sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 4,79%...

Ông Hồ Thúc Tiên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, mặc dù ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản nhưng chế biến nông sản hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp.

Ông  Tiên cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành chế biến nông sản còn gặp phải như: Chất lượng hàng nông sản chưa cao, thiết bị lạc hậu, mẫu mã chủng loại chưa phong phú, hấp dẫn, giá thành cao dẫn đến nông sản của tỉnh chưa có sức cạnh tranh, bị ép giá trên thị trường...

Nếu không chế biến khó tăng giá trị nông sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với ý kiến trên của doanh nghiệp và cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa, rớt giá”. Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản. Cho nên vấn đề tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng.

“Vắng bóng máy móc Made in Việt Nam”

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, cho rằng chỉ riêng ngành lúa gạo đầu tư máy móc vào thu hoạch, lưu kho đã giúp tổn thất sau thu hoạch trước đây từ 20% đến nay giảm xuống chỉ còn 10%, tương đương khối lượng 1,5 triệu tấn lúa và giá trị đạt khoảng 6.000 tỉ đồng.

Cũng theo ông Hòa, cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng cơ khí nông nghiệp. Thời gian gần đây có THACO đầu tư sản xuất máy kéo, máy cày. Thị phần máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ chiếm chưa đến 30%, không có các doanh nghiệp phụ trợ.

Ông Hòa cho rằng, trong 10 năm qua ngân hàng đã giải ngân 11.000 tỉ đồng và hỗ trợ 1.000 tỉ đồng lãi suất khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp; nhưng chỉ tính riêng về giá trị làm lợi khi đầu tư ở ngành lúa gạo thì số tiền giải ngân, hỗ trợ này chưa tương xứng.

“Cơ chế vay vốn, hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa cần mạnh mẽ, với nguồn lực lớn hơn và đối tượng nên mở rộng đến doanh nghiệp đang có liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp để cơ giới hóa nhanh hơn, để sớm xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn”, ông Hòa kiến nghị.

Ông Đinh Quang Khuê, Chủ tịch HĐQT DOVECO, cho rằng ở góc độ các công trình nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản nguồn lực có thể đầu tư mạnh hơn cho các viện, các trường học.

Còn đầu tư công nghệ ứng dụng trong cơ giới hóa, tự động hóa thì ưu tiên các doanh nghiệp lớn có sẵn tiềm lực như THACO, VINFAST hoàn toàn đủ khả năng nghiên cứu, sản xuất nhiều loại thiết bị, máy móc phục vụ ngành nông.

“Nhiều loại máy móc, công nghệ chế biến đặt mua ở Đức, Ý,... khi có trục trặc gì, chúng tôi phải sang tận nơi đặt hàng, rất tốn kém và mất thời gian. Khi các doanh nghiệp trong nước làm được, chúng tôi sẵn sàng mua, đặt hàng sản xuất, khi hỏng hóc, thay thế phụ tùng linh kiện sẽ thuận tiện hơn, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Khuê lý giải về đề xuất.

Hiện nay, cả nước có trên 7500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trong đó:

Lúa gạo, có khoảng 580 cơ sở xay sát gạo quy mô công nghiệp với công suất 10.000 tấn thóc/năm.

Rau quả, có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm.

Cà phê, có 239 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp.

Cao su, có 161 doanh nghiệp sơ chế mủ cao su với tổng công suất thiết kế 1,22 triệu tấn/năm.

Gỗ, có khoảng 4500 cơ sở chế biến gỗ.

Thủy sản, có 636 cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và 3000 cơ sở chế biến nhỏ.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường