Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khơi thông nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao
08 | 12 | 2017
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp (DN). Những "tỷ phú nông dân" xuất hiện ngày càng nhiều. Nền nông nghiệp 4.0 đang mở ra trước mắt, nhưng sự cạnh tranh và đào thải quyết liệt khiến không ít người phải chùn bước. Nhiều khó khăn đang cản trở phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC); trong đó, nguồn vốn cho vay là "nút thắt" lớn.
Thu hoạch rau sạch tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. 

Sức hút của nông nghiệp công nghệ cao

Công ty TNHH Ba Huân (TP Hồ Chí Minh) nhiều năm nay đã trở thành DN tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp hóa các sản phẩm gia cầm. Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân Phạm Thị Huân nhớ lại: "Khoảng những năm 2003-2005, dịch cúm gia cầm H5N1 như bức màn đen trùm khắp các hộ chăn nuôi và kinh doanh gia cầm. Chỉ qua một đêm, dịch bệnh đã làm hơn sáu tỷ đồng của tôi không cánh mà bay. Thất bại này đã thôi thúc tôi suy nghĩ chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch".

Sau bao trăn trở cùng quá trình lăn lộn tìm hiểu, bà Huân quyết định vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Bước đầu, công ty nhập hệ thống dây chuyền xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan) - Tập đoàn đứng đầu thế giới trong xử lý trứng gia cầm; tiếp đó, đầu tư thiết bị cho quy trình chăn nuôi công nghệ cao, nhà máy chế biến thực phẩm.

Mới đây, công ty đã mở rộng sản xuất ra các tỉnh phía bắc, với việc khánh thành nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Dự án do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Tây cấp khoản tín dụng 105 tỷ đồng trong giai đoạn 1. Ðến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn phục vụ cộng đồng. Công ty cũng đã thực hiện liên kết người chăn nuôi, tạo chuỗi liên kết khép kín.

Công ty TNHH Ba Huân chỉ là một trong hàng trăm DN chuyển hướng sang sản xuất sạch thành công vì tiếp cận kịp thời nguồn vốn ngân hàng. Hàng nghìn DN khác, theo bà Huân, phần lớn phải dừng bước bởi không đủ khả năng do nguồn vốn đầu tư lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi phát triển NNCNC là "thu hút" vốn đầu tư. Bởi, dù đã có những ưu đãi về lãi suất, nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Trường hợp của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) là một thí dụ.

Khi biết sẽ có gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực NNCNC, Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Can đã nhanh chóng lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Nhưng khi làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng, ông mới biết, hiện nay, các công trình sản xuất ứng dụng NNCNC như nhà kính, nhà lưới,... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Yêu cầu của ngân hàng là phải có sổ đỏ thế chấp; trong khi, HTX vừa mới dồn sổ đỏ để thuê đất 50 năm; tài sản trên đất không có hiệu lực vay. Ông Can đành phải tiếp tục hành trình tìm kiếm nguồn vốn mới.

Tình trạng người dân, DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng thừa nhận. Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10-2017 tăng 19%; chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng cho DN ứng dụng NNCNC tăng 25,12% so với năm 2016.

Sau sáu tháng triển khai, tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch đạt 36 nghìn tỷ đồng (trong gói 100 nghìn tỷ đồng) với kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%. "Chúng tôi cho rằng, quá trình triển khai thời gian ngắn mà đạt quy mô tín dụng như vậy là khá cao. Trong số tổng dư nợ đó, có khoảng 6.400 khách hàng, gồm 6.000 khách hàng cá nhân và khoảng 400 khách hàng DN" - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tháo "nút thắt" nguồn vốn cho vay

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần, trong quá trình triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Bước đầu, có tám NHTM cam kết dành nguồn vốn khoảng 135 nghìn tỷ đồng để cho vay đối với các dự án NNCNC có hiệu quả; đồng thời, ra văn bản chỉ đạo triển khai toàn hệ thống và xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này. Ðặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tiên phong, chủ động dành nguồn vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng; có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành. Các NHTM khác như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank),… cũng chủ động trong ban hành chính sách cho vay và tìm kiếm khách hàng thực hiện dự án NNCNC, nông nghiệp sạch để thẩm định và xem xét cho vay. "Tuy nhiên, việc cho vay đối với chương trình của các NHTM gặp một số khó khăn; trong đó, có khó khăn khi NHTM xác định khách hàng đáp ứng tiêu chí về dự án NNCNC, nông nghiệp sạch theo quy định", ông Trần Văn Tần nhận định.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh nêu một số vướng mắc trong chính sách cho vay. Ðến nay Agribank mới chỉ giải ngân chưa đầy 10 nghìn tỷ đồng do vướng khâu pháp lý về tài sản thế chấp. Cụ thể, tài sản thế chấp hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp; trong khi nguồn vốn đầu tư NNCNC rất lớn, giá trị chính là nhà xưởng để sản xuất lại không được đưa vào tài sản thế chấp. "Nếu được mùa, các tài sản thế chấp rất có giá trị nhưng nếu mất mùa, tài sản còn lại không đáng kể", ông Trịnh Ngọc Khánh bày tỏ. Nhiều lãnh đạo NHTM cũng cho rằng, khâu thẩm định cho vay là vấn đề khó khăn. Kết quả thẩm định, thẩm tra cho vay tại thời điểm này có thể sai khác rất lớn, nhưng sau ba, bốn năm, thị trường có thể thay đổi khó lường. "Khi cho vay, đánh giá giá trị tài sản thấp thì khách hàng phản ứng; nhưng khi mất mùa lại quy trách nhiệm cho ngân hàng khi đánh giá cao giá trị tài sản, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank băn khoăn.

Theo ý kiến từ phía các DN và NHTM, việc triển khai chương trình cho vay phát triển NNCNC chưa thuận lợi còn do các nguyên nhân khác như: Cho vay đối với khu, vùng NNCNC hạn chế; công ty được cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng NNCNC chưa nhiều. Thực tế, đầu tư NNCNC đòi hỏi số vốn lớn, nhưng nhìn chung, các DN chưa có tiềm lực tài chính tốt, chưa thật sự sẵn sàng tham gia sản xuất NNCNC một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất hiệu quả; phương án trả nợ thiếu khả thi; thị trường tiêu thụ bấp bênh, không ổn định,… Nhất là hiện nay, các tiêu chí xác định dự án NNCNC, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) chung chung, chưa phù hợp, NHTM khó xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Quyết định 738/2017/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ NN-PTNT đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), cho nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình,…

Như vậy, có thể thấy, muốn thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển NNCNC cần sớm tháo gỡ đồng bộ các nút thắt như: Vấn đề quy hoạch sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch phù hợp năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường; vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp, thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm NNCNC; việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng,... Bộ NN-PTNT cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, tạo điều kiện cho các NHTM đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình; giới thiệu những dự án sản xuất NNCNC có hiệu quả trên toàn quốc để NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp cận, thẩm định và cho vay.

Cùng với đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cần mở rộng thêm đối tượng được vay vốn NNCNC; bổ sung quy định về việc ngân hàng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định pháp luật.

Theo báo Nhân Dân



Báo cáo phân tích thị trường